Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) vừa thông báo có thêm cổ đông lớn từ ngày 17/6/2021 là Công ty cổ phần Đầu tư KBA khi cổ đông này đã hoàn tất giao dịch mua hơn 4,9 triệu cổ phiếu IMP. Nếu ước tính theo giá chốt phiên, Đầu tư KBA chi khoảng 398 tỷ đồng để sở hữu 7,37% vốn Imexpharm.
Vốn điều lệ ban đầu của Đầu tư KBA là 10 triệu đồng và được tăng lên 374,1 tỷ đồng từ đầu tháng 6 năm nay.
Trước khi giao dịch lần này được thực hiện, Công ty cổ phần Đầu tư KBA chưa từng sở hữu cổ phần nào tại Imexpharm.
Công ty này được thành lập vào nửa cuối tháng 5/2021, do bà Huỳnh Thị Mỹ Hạnh là đại diện pháp luật, có trụ sở chính tại 64-64 Bis Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1 và ngành kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).
Ngày 24/6 tới sẽ là ngày cuối cùng Imexpharm chốt danh sách nhằm thực hiện việc chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt, ngày chi trả dự kiến là ngày 16/7/2021.
Nhà máy chi nhánh 3 của Imexpharm tại Bình Dương (Ảnh minh hoạ: IMP). |
Về việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn tại Imexpharm, gần đây, SK Investment Vina III thuộc SK Group đã đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phần, gia tăng tỷ lệ nắm giữ từ 29,22% lên mức 30,7% vốn Imexpharm, theo phương thức thoả thuận. Dự kiến giao dịch diễn ra từ 18/6-17/7/2021.
Trước đó, cổ đông thuộc Tập đoàn SK đã nhận chuyển nhượng gần 3,5 triệu cổ phần từ 2 quỹ thành viên thuộc quản lý của VinaCapital và trở thành cổ đông lớn nhất tại Imexpharm với gần 19,5 triệu cổ phiếu.
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, ban lãnh đạo Imexpharm đánh giá, ngành dược Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức trước tình hình tăng giá và khan hiếm của nhiều loại nguyên vật liệu.
Bên cạnh các khó khăn trong khâu nhập khẩu và vận chuyển, công tác tiêu thụ cũng sẽ tiếp tục đối mặt với tình hình ngưng trệ của thị trường.
Các hồ sơ đăng ký sản phẩm mới, kế hoạch xét duyệt và tái xét duyệt nhà máy từ chuyên gia nước ngoài cũng phải tiếp tục chờ đợi sẽ làm tăng thêm khó khăn của toàn ngành nói chung và Imexpharm nói riêng trong năm 2021.
Năm nay, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Imexpharm được kỳ vọng đạt 1.530 tỷ đồng và 290 tỷ đồng; tăng lần lượt 10,7% và 13,5% so với năm 2020.
Tuy được xem là sản phẩm thiết yếu nhưng trong năm vừa qua, ngành dược đã bị ảnh hưởng không nhỏ do việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài.
Việc duy trì sản xuất liên tục và ổn định trong điều kiện vật liệu khan hiếm, trong khi vẫn đảm bảo an toàn sức khoẻ tuyệt đối cho người lao động là điều trở nên vô cùng thách thức cho các doanh nghiệp dược.
Đồng thời, tình hình giãn cách cũng làm cho người dân hạn chế đến bệnh viện, kênh ETC hầu như ngưng trệ trong quý II và quý III/2020.
Thị trường ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng trong tổng tiêu thụ tiền thuốc và các dịch vụ khám chữa bệnh.
Chỉ có vài loại thuốc được tiêu thụ nhiều ở kênh OTC, chủ yếu là giảm đau, hạ sốt, vitamin và khoáng chất để tăng cường sức khoẻ; các vật dụng y tế như khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn.