Nhiều doanh nghiệp phàn nàn từ chính sách hỗ trợ đến thực tế còn một khoảng cách lớn. |
Đừng coi doanh nghiệp như quả bóng
“Chúng tôi đang chết lâm sàng rồi, cần cứu gấp, nhưng lỗi không phải chỉ do Covid-19. Tôi ước có thể trực tiếp nói điều này với Thủ tướng Chính phủ”, bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Mai Thanh (Nam Định) trăn trở khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Bà Thanh đã đăng ký với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để được tham dự Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vào tuần tới, nhưng không dám chắc về cơ hội được phát biểu khi thấy số doanh nghiệp đăng ký đang tăng lên nhanh chóng.
Chỉ mới tuần trước, bà Thanh đã tiếp tục ký đơn gửi tới Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định về việc được hưởng hỗ trợ đầu tư cho dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Mọi việc bắt đầu từ Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy nước Phú Mỹ Tân mở rộng cho 11 xã thuộc huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), công suất 28.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 359 tỷ đồng, do Công ty Mai Thanh làm chủ đầu tư. Năm 2018, Dự án đã hoàn thành giai đoạn I, cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho 7 xã. Theo kế hoạch, năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ Dự án.
Đúng 1 năm trước, tháng 4/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh xem xét, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép Dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định.
Theo tính toán của doanh nghiệp, khoản hỗ trợ này không hề nhỏ, lên tới hơn 100 tỷ đồng. Nếu so với khoản doanh thu bán nước sạch hàng tháng trong 2 năm qua là 2,4 tỷ đồng (khoảng 100 triệu đồng/tháng) do tỷ lệ người dân dùng nước sạch mới đạt 12%, thay vì 45-65% như dự kiến, thì con số trên có thể cứu sống doanh nghiệp vào lúc này.
“Đầu tháng 4/2020, Văn phòng Chính phủ đã gửi kiến nghị của Công ty tới UBND tỉnh Nam Định để giải quyết theo thẩm quyền, nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi nào, không biết làm thế nào để được hưởng các ưu đãi như quy định”, bà Thanh bức xúc.
Đáng nói là, Công ty Mai Thanh đang bị ngân hàng từ chối cho vay với giá trị đảm bảo là một phần của dự án đã hoàn thành, vì cho rằng, dự án nước sạch nông thôn khó đem lại lợi nhuận, thu hồi vốn chậm. Khoản vay cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại ống nhựa của Công ty cũng bị ngân hàng thúc ép trả nợ.
“Chúng tôi đã giải trình và xin được giãn thời gian trả nợ theo giải pháp hỗ trợ của Chính phủ do ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng không được. Lúc này chỉ mong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trở thành hiện thực, đừng coi doanh nghiệp như quả bóng”, bà Thanh nói.
Sao hỗ trợ doanh nghiệp lại khó thế?
Trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia, ý kiến phản ánh đầu tiên ở chủ đề xây dựng không phải là một câu hỏi, một đề nghị như thường thấy, mà là một câu khẳng định: “Công ty bị đánh đố và gây khó trong việc cấp phép xây dựng”.
Nội dung kiến nghị được mô tả rất ngắn: Công ty TNHH Việt Tường có địa chỉ tại Khu công nghiệp Nam Sách, TP. Hải Dương (Hải Dương), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công và kinh doanh các loại sản phẩm từ nhựa và cao su, đang vướng mắc, gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy phép xây dựng cho các hạng mục phụ trợ của nhà máy.
Thực ra, đây không phải lần đầu khó khăn này của Công ty Việt Tường được gửi tới hệ thống. Cũng đã có những câu trả lời, chỉ đạo từ Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, nhưng rồi cả năm trôi qua, chỉ một câu hỏi làm thế nào để Công ty xây dựng được các hạng mục phụ trợ của nhà máy vẫn không thấy trả lời.
Thực ra, mong muốn được các cơ quan quản lý thấu hiểu, chung tay gỡ khó rất phổ biến từ doanh nghiệp, nhưng có vẻ như đang là rào cản lớn nhất giữa các bên, khiến nhiều khó khăn của doanh nghiệp bị kéo dài ra, làm trầm trọng hơn, đẩy chi phí tuân thủ của doanh nghiệp lên cao.
Trong thư gửi VCCI, một số doanh nghiệp trong ngành nguyên liệu giấy đang lo ngại về đề xuất tăng thuế xuất khẩu từ 2% lên 5% đối với dăm gỗ.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp nói là việc áp thuế 2% với dăm gỗ xuất khẩu không ai được lợi, thậm chí hại cả người trồng rừng. Lý do là doanh nghiệp thu mua gỗ sẽ đẩy khoản này về cho người trồng rừng gánh. Cụ thể, giá mua gỗ lóng trước đây thu mua tại nhà máy là 1.150.000 đồng/tấn, thì hiện nay giảm còn 1.050.000 đồng/tấn. Lưu ý là chi phí khai thác và vận chuyển đã chiếm 50% giá thành, vì từ rừng đến nhà máy xa xôi, nên người dân chẳng còn được mấy.
Mục tiêu của chính sách như giải trình ban đầu là để hạn chế xuất thô, bảo vệ nguồn gỗ cho doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, nhưng nhu cầu gỗ keo cho đồ gỗ trong nước tối đa chỉ 10 triệu tấn/năm, trong khi cả nước khai thác trên 30 triệu tấn gỗ keo...
“Doanh nghiệp lo nhất là mất nguồn nguyên liệu khi bà con không trồng rừng nữa”, ông Tuấn chia sẻ.
Đáng nói, đây chỉ là một trong rất nhiều tâm thư mà doanh nghiệp đang muốn gửi tới Thủ tướng Chính phủ...
Ngày 15/4, hơn 200 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, câu lạc bộ doanh nghiệp đã tham gia cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội đồng Các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam cho biết, các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp sẽ được tổng hợp, gửi tới Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vào cuối tháng 4/2020.
Đặc biệt, Bộ chỉ số đánh giá sức khỏe doanh nghiệp được thảo luận, để có thể đưa vào sử dụng từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới, làm cơ sở cho các đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với Chính phủ.