Doanh nghiệp
Doanh nghiệp công nghệ rầm rộ triển khai các dự án khủng
Thanh Thủy - 05/07/2019 16:15
Nhiều dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp công nghệ triển khai thời gian gần đây nhằm đón trước xu thế phát triển đột phá trong cuộc cách mạng 4.0.

Dự án FPT Tower sau một năm rưỡi thi công - Ảnh: Thanh Thủy.

Cách chưa đầy một cây số từ con phố Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) - nơi tập trung nhiều trụ sở và công ty thành viên của các doanh nghiệp công nghệ, công trường hơn 1,58 ha tại lô đất D28 Cầu Giấy vẫn đang được thi công gần một năm rưỡi qua. Đến ngày 31/3/2019, số tiền mà FPT chi cho dự án này đạt gần 780 tỷ đồng. 

Dự án FPT Tower sau khi hoàn thành sẽ là toà nhà văn phòng lớn nhất trong gần 20 tổ hợp, toà nhà văn phòng, campus của FPT trên cả nước, với hai tòa nhà cao 21 tầng và 17 tầng và tòa trung tâm dữ cao 8 tầng. 

Tổng mức đầu tư của dự án này không được FPT nêu chi tiết, nhưng ước tính quy mô cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Bởi trước khi quyết định mua đứt toàn bộ khu đất này từ Contrexim, FPT và doanh nghiệp bất động sản này đã ký hợp đồng mua bán tài sản trong tương lai là tòa nhà từ dự án này với giá trị 1.600 tỷ đồng hồi năm 2015. 

Dự án FPT Tower của FPT khi đi vào hoạt động cũng sẽ cung cấp chỗ làm việc cho tới 9.000 nhân lực ngành CNTT. Chỉ riêng trong năm qua, FPT đã tuyển ròng thêm hơn 2.500 người, nâng số nhân sự tập đoàn lên 27.843 người. Đây là lượng nhân sự chỉ riêng các khối công nghệ thông tin, viễn thông và đầu tư giáo dục, không kể số nhân viên tại các công ty liên kết như FPT Retail, FPTS…

Theo kế hoạch, ông lớn ngành công nghệ này sẽ thu hút thêm 10.000 – 20.000 người để đáp ứng nhu cầu phát triển, triển khai dịch vụ chuyển đổi số trong 3 năm tới.

Không chỉ ông lớn giàu tiềm lực tài chính FPT, nhiều dự án quy mô lớn cũng được các doanh nghiệp công nghệ triển khai thời gian gần đây. Cuối tháng 12/2017, cùng thời gian với dự án FPT Tower, CMC cũng khởi động dự án CMC Creative Space tại Khu chế xuất Tân Thuận, phường tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM, với diện tích hơn 1,3 ha. Dự án có tổng mức đầu tư 883 tỷ đồng, gồm 2 tòa nhà văn phòng làm việc và 1 trung tâm dữ liệu, trong đó số tiền đầu tư đến cuối năm 2018 là 82 tỷ đồng. 

Theo ông  Lê Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính CMC Group, khi tòa nhà đi vào hoạt động (dự kiến vào tháng 4/2020), CMC Group có thể cắt giảm đáng kể chi phí thuê văn phòng hiện tại. Đồng thời, hai tòa nhà văn phòng làm việc khi đưa vào hoạt động cũng sẽ đáp ứng nhu cầu gia tăng nhân sự của doanh nghiệp công nghệ này. CMC Group dự tính sẽ mở rộng quy mô nhân sự lên 10.000 người vào năm 2023 từ mức hơn 2.800 người hiện tại. 

Không đầu tư xây dựng trụ sở mới, nhưng VNG cũng dự trù một phần ngân sách đáng kể cho việc mở rộng quy mô nhân sự cũng như văn phòng làm việc. Trong kế hoạch sử dụng nguồn vốn 622 tỷ đồng mà doanh nghiệp này thu được từ bán cổ phiếu quỹ năm vừa rồi, VNG dự tính sẽ chi 200 tỷ đồng để mua thiết bị, thiết kế nội thất văn phòng mới, 88 tỷ đồng để thuê văn phòng và 70 tỷ đồng thêm vào chi phí lương nhân viên. 

Thống kê của trang tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks cho biết nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin 3 năm gần đây tăng trung bình 47%/năm. Cần thêm nhân sự, thêm văn phòng làm việc và các hạ tầng như trung tâm dữ liệu, cáp quang…, những nhu cầu tăng lên cũng xuất phát từ kỳ vọng tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này. 

Theo chia sẻ của Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) hồi đầu năm, tổng doanh thu năm 2018 của ngành công nghiệp ICT Việt Nam ước đạt 98,9 tỷ USD, tăng 8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước, góp 50.000 tỷ đồng vào ngân sách và tạo hơn 1 triệu việc làm. Giữa làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp công nghệ là các đơn vị được giao trọng trách nâng cao chất lượng tăng trưởng, dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.

Đối với bản thân nhiều doanh nghiệp công nghệ, chuyển đổi số cũng là định hướng chiến lược. Trong khi FPT đặt mục tiêu tiên phong trong chuyển đổi số và lấy đây làm động lực tăng trưởng, CMC Group cũng cho biết sẽ “đặt cược” vào chiến lược chuyển đổi số để đặt ra kế hoạch tham vọng nâng quy mô doanh thu năm 2023 lên gấp 4 lần hiện tại, cán mốc 1 tỷ USD.  

Một doanh nghiệp công nghệ khác là Elcom cũng vừa bắt đầu triển khai rộng rãi mảng dịch vụ Egreen, cung cấp giải pháp ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp. Hay trường hợp của Saigontel, một doanh nghiệp công nghệ có thế mạnh ở mảng dịch vụ cung cấp hạ tầng viễn thông tại các khu công nghiệp và sở hữu lợi thế về quỹ đất. Doanh nghiệp này kỳ vọng ứng dụng công nghệ vào quá trình vận hành, quản lý cho bản thân các dự án bất động sản, văn phòng cho thuê mà Saigontel đang đầu tư và hướng tới áp dụng giải pháp cho cả các tòa nhà khác. 

Cân nhắc bài toán vốn

Đẩy mạnh đầu tư là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp khi nhìn nhận được cơ hội từ thị trường nhưng không phải công ty nào cũng sẵn tiềm lực để tài trợ cho các dự án. Đối với ông lớn FPT, khoản lợi nhuận tích lũy được từ hoạt động kinh doanh trước đây cũng như số lãi 2.000 tỷ đồng đều đặn thu về mỗi năm là nguồn tiền đóng góp đáng kể giúp doanh nghiệp này trang trải chi phí đầu tư. Cùng với một số dự án khác gồm các tòa nhà, dự án cáp quang…, riêng năm 2018, FPT đã thêm hơn 1.000 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vốn mỏng hơn, bài toán vốn sẽ  đau đầu hơn nhiều khi quyết định đầu tư cho một dự án văn phòng làm việc quy mô cỡ hàng ngàn tỷ đồng. Như trường hợp của CMC Group, cuối năm 2018 vừa rồi, doanh nghiệp này đã huy động 300 tỷ đồng từ kênh trái phiếu với lãi suất 8,8%/năm, trong đó dành 2/3 cho dự án CMC Creative Space. Tuy nhiên, so với tổng vốn 883 tỷ đồng và kế hoạch hoàn thành vào giữa năm sau, dự án vẫn còn thiếu hụt khá nhiều vốn.

Dự kiến năm nay, CMC Group còn huy động được 750 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược Samsung SDS. Phương án này sẽ giúp nhanh chóng nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp, nhưng với đặc thù của kênh huy động vốn này, sở hữu của các cổ đông sau phát hành đương nhiên sẽ bị pha loãng, thậm chí đối tác Hàn Quốc còn trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. 

Còn trường hợp của Saigontel, doanh nghiệp này đến nay vẫn phụ thuộc chính vào nguồn tiền vay mượn từ các ngân hàng.

Dự án tòa nhà văn phòng ICT 2, một trong các tòa Saigontel đang triển khai và dự kiến áp dụng giải pháp SmartBuilding, có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Hạn mức tín dụng mà ngân hàng áp dụng cho dự án này lên tới 120 tỷ đồng, tương đương 60% tổng vốn.

Không chỉ đầu tư vào tòa nhà văn phòng, doanh nghiệp với lợi thế lớn về quỹ đất này mới đây còn dự định đưa vào hoạt động Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn giai đoạn 2 vào đầu năm 2020 để đón đầu dòng vốn FDI đổ về Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư lên tới 1.097 tỷ đồng. Một cơ cấu nguồn vốn phù hợp để đáp ứng nhu cầu đầu tư sẽ là bài toán buộc các  ông chủ doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi ra quyết định lớn cho doanh nghiệp.

Cơ cấu nguồn vốn tại một số doanh nghiệp công nghệ vào 31/3 - Nguồn: BCTC
Tin liên quan
Tin khác