Tỷ giá là một trong những nguồn gốc rủi ro chính, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao và cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của rất nhiều công cụ phòng chống rủi ro ngoại hối. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, tác động tỷ giá ngày càng mạnh khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, đối với những bất ổn tỷ giá, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm phái sinh (hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi, hợp đồng quyền chọn…) hiện đã được triển khai tại một số ngân hàng thương mại. Nhưng trong thời gian qua, các doanh nghiệp tìm đến các giao dịch này rất ít. Nguyên nhân chính là do am hiểu của doanh nghiệp về các công cụ này và nhận thức về tầm quan trọng của quản trị rủi ro còn hạn chế, nhưng cũng có phần không nhỏ do cách thức điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.
Bà Lương Thị Thu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ đại lý thuế và Tư vấn đào tạo Tâm Việt (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống tuần này |
“Trước sức ép từ bên ngoài, các doanh nghiệp cần chấp nhận một chế độ tỷ giá bất ổn hơn. Các nhà đầu tư và các đối thủ cạnh tranh về thương mại đang xem các doanh nghiệp Việt Nam là đối thủ tiềm năng trên thị trường quốc tế và họ sẽ làm mọi cách để hạn chế tác động bất lợi cho họ, từ thực hiện các biện pháp tích cực, như đề nghị làm đối tác chiến lược để tác động phân chia thị phần theo lợi thế, đến các biện pháp tiêu cực như kiện bán phá giá, áp đặt các hàng rào mậu dịch ẩn, thậm chí yêu cầu thay đổi tỷ giá”, một chuyên gia tài chính cho biết.
Rủi ro tỷ giá là câu chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường. Để đối phó với rủi ro, các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và học cách tự phòng vệ, tạo ra văn hóa quản trị rủi ro cho mình.
Nhiều doanh nghiệp lúng túng đối với phòng chống rủi ro, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong chương trình CEO - Chìa khóa thành công mới đây, vấn đề này đã được đề cập. Với tình huống đang xảy ra tại một doanh nghiệp dệt may, khi CEO và các cổ đông đang đau đầu để lựa chọn phương án đối phó với rủi ro tỷ giá, thậm chí bất đồng về các quan điểm.
Trong khi CEO muốn doanh nghiệp bỏ ra một khoản tiền để mua bảo hiểm tỷ giá cho các lô hàng xuất khẩu, thì các cổ đông lại muốn chọn giải pháp đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. Thậm chí, doanh nghiệp có thể tổ chức riêng một phòng ban chuyên phân tích biến động giá trên thị trường tài chính để chủ động hạn chế các rủi ro.
Thiên về quan điểm của CEO, có ý kiến cho rằng, bảo hiểm tỷ giá rất cần thiết để một doanh nghiệp yên tâm phát triển. Tham gia hội nhập sâu vào TPP, AEC, doanh nghiệp phải chấp nhận luật chơi tự do hóa thương mại. Khi đó, vấn đề biến động tỷ giá đồng tiền giữa các nước sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất - nhập khẩu, mà điều này thì không thể lường trước được điều gì sẽ xảy ra. Kinh tế toàn cầu liên quan chặt chẽ với nhau, chỉ cần một khủng hoảng nhỏ ở một khu vực nào đó, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế thế giới nói chung, tất yếu sẽ tác động lên tỷ giá giữa các đồng tiền. Doanh nghiệp cũng có thể đàm phán với đối tác thanh toán đa dạng hóa ngoại tệ và các phương án khác, nhưng cũng sẽ rất nguy hiểm khi hiện nay tỷ giá ngoại tệ giữa các đồng tiền lớn trên thế giới đang có sự dao động khá lớn, không ổn định…
Song cũng có quan điểm, để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp có thể chọn cả hai phương án, vừa mua bảo hiểm tỷ giá, vừa chọn đa dạng hóa đồng tiền, lập phòng nghiên cứu.
Hai chuyên gia của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công tuần này là TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Tài chính, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM và bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, sẽ giúp CEO phân tích đâu là lựa chọn an toàn nhất cho vấn đề này.