Vietravel đề xuất làm dự án trung tâm ẩm thực
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông - vận tải Việt Nam (Vietravel) cho biết, trong danh sách 10 điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nhất năm 2016 ở Đông Nam Á không có tên TP.HCM. Năm 2017, số lượng du khách nước ngoài đến TP.HCM tăng, song chất lượng chưa có nhiều thay đổi.
TP.HCM hiện chiếm gần một nửa lượng khách quốc tế đến Việt Nam. |
Cũng theo ông Kỳ, trong chuỗi hoạt động du lịch, có 4 hoạt động quan trọng là lữ hành, lưu trú, vận chuyển và dịch vụ. Tại TP.HCM, ngoài 2 doanh nghiệp (DN) du lịch có quy mô lớn là Vietravel và Saigontourist, thì số còn lại có quy mô khá nhỏ. Phần lớn DN có cấu trúc chưa ổn và vẫn quản lý theo cách truyền thống, nên hoạt động khá manh mún, hiệu quả chưa cao.
“Cần xác định mục tiêu lượng khách đến là bao nhiêu, để xác định mức đầu tư”, ông Kỳ nói và cho rằng, cơ cấu sản phẩm du lịch của TP.HCM hiện chưa hợp lý, khiến hiệu quả thấp, DN cũng phải loay hoay với bài toán đầu tư.
Cụ thể, các sản phẩm du lịch tại Thành phố hiện nay được thiết kế phục vụ hoạt động ban ngày, trong khi trên thế giới, hoạt động này được thiết kế cả cho ban đêm. Do đó, ông Kỳ đề xuất, TP.HCM cần có sự thay đổi về chính sách theo hướng thiết kế nhiều hơn các sản phẩm du lịch cho khung giờ buổi tối. Vietravel sẵn sàng đầu tư mạnh cho các sản phẩm du lịch mới này, đồng thời chủ động xây dựng đề án phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố để trình cấp có thẩm quyền.
Cũng theo đại diện của Vietravel, một trong những lý do khiến lượng khách quốc tế đến TP.HCM chiếm gần 50% của cả nước là bởi từ lâu tại Thành phố đã có những trung tâm mua sắm, những địa chỉ bán hàng rất nhộn nhịp. Trong đó, ẩm thực là một thế mạnh hàng đầu, là điểm nhấn của du khách quốc tế mỗi khi đến Thành phố.
“Dự kiến tháng 5/2018, Vietravel sẽ khởi động việc đầu tư, xây dựng một trung tâm ẩm thực có quy mô lớn tại TP.HCM để đáp ứng nhu cầu của du khách”, ông Kỳ thông tin. Theo ông Kỳ, việc đầu tư mạnh, bài bản theo hướng xây dựng Thành phố thành một trung tâm mua sắm của cả nước thì sẽ thu hút được nhiều du khách hơn.
Thu hút nhà đầu tư làm sản phẩm du lịch mới
Theo ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Thiên Niên Kỷ, dù có nhiều tiềm năng, song nhiều năm qua, TP.HCM vẫn loay hoay với câu chuyện làm thế nào để kéo dài thời gian lưu trú cho du khách.
TP.HCM là điểm đến hạt nhân, nơi kết nối nhiều đường bay quốc tế đến Sân bay Tân Sơn Nhất. Vậy vai trò trung chuyển của TP.HCM sẽ thế nào khi Sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động trong thời gian tới?
Do đó, TP.HCM cần có nhiều sản phẩm du lịch mới có thể đáp ứng được tất cả lượng khách quốc tế đến đây. Vấn đề này không dễ, nhưng không phải không làm được nếu có các dự án thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, DN. Đơn cử, sau khi TP.HCM đưa phố đi bộ Bùi Viện vào hoạt động, ngay lập tức, nhà đầu tư đã vào cuộc, bởi nhìn thấy một sản phẩm rõ ràng, có tiềm năng và họ tin tưởng là hiệu quả sẽ đạt được như kỳ vọng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis phân tích, việc TP.HCM là một điểm đến hạt nhân là một lợi thế. Việc còn lại là tạo ra vùng du lịch trong Thành phố và liên kết với các địa phương lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang..., nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách và lôi kéo họ lưu trú lâu hơn.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố rất quan tâm việc làm thế nào để giữ chân du khách lâu hơn, để họ tiêu tiền nhiều hơn, có như vậy mới kích cầu các hoạt động dịch vụ.
“Thành phố đã nhiều lần chỉ đạo ngành du lịch phải xây dựng một đề án cụ thể về vấn đề này, phải làm thế nào đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để giữ chân du khách lâu hơn”, ông Phong nói và chia sẻ, theo báo cáo của Bộ Du lịch Thái Lan, trong năm 2016, tổng số tiền mà khách du lịch chi tiêu tại nước này là 47 tỷ USD, gần bằng GRDP của TP.HCM trong năm đó.
Do đó, đây là một việc rất quan trọng và cấp thiết. Cần nghiên cứu thấu đáo, đầu tư bài bản, quyết liệt, nhưng không thể để lâu. Điều thuận lợi là mới đây, TP.HCM đã trình cấp có thẩm quyền Đề án Đăng cai Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 31 (SEA Games) và Đại hội Thể thao người khuyết tật lần thứ 11 - khu vực Đông Nam Á, năm 2021. Theo đó, tại TP.HCM sẽ có 3 công trình mới được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa, với vốn đầu tư 15.600 tỷ đồng.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, hệ thống khách sạn, cơ sở lưu trú, dịch vụ tại Thành phố hiện khá nhiều về lượng, nhưng chất lượng chưa đạt. Do vậy, SEA Games sắp tới là cơ hội tốt để các nhà đầu tư rót vốn, triển khai dự án. Tuy nhiên, do thời gian không còn nhiều, nên việc này không thể chậm trễ.