Doanh nghiệp
Doanh nghiệp đề xuất xây dựng Bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản trị
Kỳ Thành - 27/05/2020 06:22
Bộ tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp biết mình đang yếu ở đâu, thiếu cái gì. Doanh nghiệp nào đạt các tiêu chí sẽ dễ dàng tìm đối tác ngoại, vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Nêu ý kiến tại Hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19” chiều 26/5, ông Nguyễn Kim Hùng, Tập đoàn Kim Nam cho rằng, việc Việt Nam khống chế thành công dịch COVID-19 là tiền đề quan trọng, bởi trong mắt nhà đầu tư, doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân…, yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo ra một niềm tin rất lớn trước khi quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cũng như việc đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến điều kiện kinh doanh cũng làm cho yếu tố niềm tin cũng được gia tăng.

Tuy nhiên, dựa trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp, ông Hùng khẳng định các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn tiếp tục bộc lộ một số vấn đề đáng lo ngại về tình hình phát triển doanh nghiệp cũng như gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt phải kể đến những khó khăn về vốn, thị trường, quản lý và quản trị doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam (Ảnh: Chí Cường)

Đưa ra 5 đề xuất, ông Hùng cho rằng, cần xây dựng Bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản trị, phù hợp với từng đối tượng chủ thể kinh doanh, từ hộ kinh doanh cá thể cho đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Hùng đề xuất Chính phủ ban hành sớm để các doanh nghiệp nhìn vào có thể biết mình đang yếu ở đâu, thiếu cái gì. Doanh nghiệp nào đạt các tiêu chí trong Bộ tiêu chuẩn quốc gia cũng là lời khẳng định ngoài phát triển kinh doanh cũng đã có khả năng quản trị. Các doanh nghiệp nước ngoài khi nhìn vào đây sẽ dễ dàng lựa chọn hợp tác, các tổ chức tín dụng rất thích doanh nghiệp quản trị minh bạch giống như các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Điều này cũng nên tích hợp vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia để doanh nghiệp tìm kiếm, tra cứu.

Thứ hai, về vấn đề vốn, ông Hưng cho biết, hiện nay đang tồn tại thực trạng là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh rất khó tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.

Để doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn, ông Hưng đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế Sandbox cho lĩnh vực Fintech.

“Cơ chế Sandbox này sẽ có Kết nối vốn qua nền tảng công nghệ - P2P Lending, các nền tảng Fintech thuê mua tài chính, bảo hiểm và các hoạt động tái bảo hiểm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, các giải pháp thanh toán số, mobile money...”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, ông Hùng cũng cho rằng cơ chế Sandbox này nên bao gồm các thủ tục thể chế, chính sách cho thị trường vốn thứ cấp này. Đồng thời làm rõ các đối tượng, các quy trình, trình tự đăng ký cho một doanh nghiệp được tham gia. Được tích hợp vào cổng dịch vụ trực tuyến của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện thí điểm có sự kiểm soát của Nhà nước và không hình sự hóa mọi hoạt động trong quá trình thí điểm.

Nếu đề xuất đi vào thực tế, ông Hùng khẳng định, doanh nghiệp sẽ có thể huy động vốn không chỉ ở Việt Nam mà trên thị trường toàn cầu. Việc này sẽ làm thị trường kinh tế thứ cấp phát triển, ông Hùng đánh giá.

Thứ ba, cần thực hiện chuyển đổi số. Tích hợp vào chuyển đổi số cần hạ tầng kinh doanh, mà điều này cần Chính phủ làm trước. Chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào Alibaba, Amazon, chi phí hậu cần kinh doanh, logistics, kho bãi lớn, trong đó chi phí phi chính thức của logistics rất lớn, ông Hùng nêu thực trạng.

Từ đó, ông đề xuất vấn đề này nên giao cho 1 Bộ, bởi trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp phải tìm kiếm nhiều văn bản liên quan giữa các Bộ và rất chồng chéo.

Thứ tư, liên quan đến vấn đề hộ kinh doanh, ông Hùng nêu 3 vấn đề lớn và cho rằng cần sớm luật hóa vấn đề này. Một là có hộ kinh doanh quy mô lớn nhưng ngại lên doanh nghiệp. “Điều này đáng tiếc vì nếu lên doanh nghiệp, họ có thể phát huy được quy mô doanh nghiệp và kêu gọi nguồn lực lớn hơn rất nhiều. Họ ngại vì nếu lên thì thuế thay đổi, phải hình thành bộ máy tài chính – kế toán mà trước đây không cần, khiến chi phí tăng lên. Đó là nút thắt”, ông Hùng nói. Thứ hai là việc kế nghiệp liên quan đến văn hóa gia đình. “Nếu ban hành đạo luật, cần nuôi dưỡng nguồn thu của họ, ví dụ miễn, giảm thuế trong một vài năm đầu”.

Thứ năm, ông Hùng đề xuất cần ban hành hệ thống Vinh danh Doanh nhân cấp Quốc gia, dựa trên các tiêu chí đóng góp của doanh nhân như số thuế đóng hằng năm, số lao động, trách nhiệm xã hội…

Tin liên quan
Tin khác