Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, 9 tháng đầu năm 2019 đã có 2,56 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào tỉnh, tăng 83% so cùng kỳ năm trước và vượt 82,9% so với kế hoạch cả năm.
Kết quả này nâng số lượng dự án FDI tại Bình Dương lên 3.702 dự án từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 34 tỷ USD (tính cả hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là 34,87 tỷ USD), đứng thứ ba cả nước về thu hút FDI sau TP.HCM và Hà Nội. Nguồn vốn này chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Nghi thức khai mạc Horasis - Bình Dương 2018 (ảnh tư liệu) |
Horasis là một diễn đàn uy tín trên thế giới, được tờ New York Times đánh giá là “Diễn đàn Kinh tế Thế giới mở cho các nước đang phát triển”. Họ đã tổ chức trên 30 diễn đàn khắp toàn cầu từ năm 2005 đến nay.
Diễn đàn Horasis châu Á được tổ chức tại tỉnh Bình Dương từ năm 2018 là một sự kiện kinh tế quốc tế lớn, nhận được sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chia sẻ về lý do lựa chọn Bình Dương để tổ chức Diễn đàn Horasis 2018, ông Frank Jürgen Richter, Chủ tịch Horasis cho biết, nhu cầu đối thoại đăng ngày càng gia tăng và Diễn đàn Horasis châu Á được thành lập như một phương tiện để khuyến khích và tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận và hợp tác giữa các doanh nhân, doanh nghiệp và chính phủ từ Việt Nam, châu Á và các nơi khác trên thế giới.
Bình Dương nằm ở vị trí chiến lược của Việt Nam, rất gần TP.HCM, là một vị trí rất tốt đang thu hút ngày càng tăng đầu tư và do đó đây chính là địa điểm lý tưởng cho việc tổ chức Diễn đàn Horasis. Tôi đã gặp gỡ các lãnh đạo của tỉnh Bình Dương cũng như Chủ tịch Becamex vào năm 2016 và chúng tôi cùng quyết định thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên lên tầm cao hơn.
Ông Frank Jürgen Richter, Chủ tịch của Horasis |
Và, Horasis lại tiếp tục chọn Bình Dương cho sự kiện năm 2019?
Diễn đàn Horasis 2018 tại Bình Dương đã thành công rực rỡ. Và đó cũng chính là lý do hợp lý để tiếp tục và mở rộng thêm quan hệ hợp tác của chúng tôi.
Thông điệp quan trọng nhất của Diễn đàn Horasis chính là Việt Nam đang rất sẵn sàng để phát triển kinh doanh. Việt Nam sẵn sàng làm ăn với các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới và trong tất cả các ngành nghề. Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế định hướng thị trường, do đó chính phủ Việt Nam duy trì các cam kết cải cách và Việt Nam là nền kinh tế được hưởng lợi ích toàn cầu lớn hơn.
Vậy lợi ích chính mang lại cho những thành viên tham gia HORASIS 2019 là gì, thưa ông?
Tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế phát triển hơn ở châu Á cũng như các nước và vùng lãnh thổ khác. Các đoàn đại biểu đến Horasis muốn nắm bắt xu hướng tăng trưởng của Việt Nam, tham gia đầu tư sớm và hưởng lợi từ Việt Nam với nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững.
Diễn đàn Horasis có thể giúp gì cho Bình Dương và Việt Nam tăng thêm vốn FDI, thưa ông?
Chúng tôi đã mời các CEO và nhà đầu tư từ Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và phần còn lại của thế giới đến tham gia Horasis. Tất cả đều đến Bình Dương để tìm hiểu về các dự án và sáng kiến mới nhất và tất nhiên họ cũng đến để xem xét các cơ hội FDI cụ thể.
Chúng tôi sẽ sắp xếp các cuộc thảo luận bàn tròn và các cuộc họp riêng giữa các nhà đầu tư và các cơ quan chức năng của Bình Dương và hy vọng chúng tôi sẽ thấy nhiều thỏa thuận thú vị sẽ diễn ra trong Horasis 2019.
Đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tại Horais - Bình Dương 2018 |
Ông nghĩ thế nào về xu hướng các nhà sản xuất đang có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam? Những thuận lợi và khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam ảnh hưởng bởi xu hướng này?
Tôi tin rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay bất kỳ cuộc chiến thương mại đều là một trò chơi không mang lại kết quả gì. Cả hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ chỉ mất đi từ việc áp thuế đối với các sản phẩm của nước kia. Về trung hạn và dài hạn, tôi nghĩ cả Mỹ và Trung Quốc sẽ thấy sự vô ích của của cuộc chiến này và tôi hy vọng điều này xảy ra sớm hơn so với dự tính của tôi.
Lợi ích cho Việt Nam là thương mại sẽ được chuyển hướng từ Trung Quốc theo hướng có lợi. Khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trở nên đắt đỏ hơn do áp dụng thuế quan, người tiêu dùng Mỹ sẽ mua hàng hóa từ các thị trường khác, và Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi và đang chứng kiến sự gia tăng xuất khẩu trong thời gian gần đây.
Lợi thế thứ hai có khả năng sẽ có hậu quả lâu dài hơn là khi các công ty đa quốc gia bắt đầu xem xét chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm thiểu thuế quan đối với hàng xuất khẩu của họ sang Mỹ.
Tuy nhiên, nói một cách cốt lõi, tôi nghĩ, Việt Nam thu được nhiều lợi ích hơn chi phí phải bỏ ra trong cuộc chiến thương mại này. Trên thực tế, Ngân hàng Phát triển châu Á đã ước tính rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng 2% GDP trong ba năm tới nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang.