Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, các hãng vận tải liên tục thu phụ phí này tại tất cả các thời điểm trong năm, trong khi chỉ được áp dụng vào mùa cao điểm. Ảnh: Internet |
Giấy mời tham dự cuộc họp dự kiến tổ chức tại TP.HCM đã được Cục Hàng hải Việt Nam gửi tới đại diện 7 hãng tàu nước ngoài là Evergreen; Huyndai; KMTC; SITC; Dong jin Shipping; Continental; Heung A.
“Đề nghị các hãng tàu cử người có trách nhiệm tham gia cuộc họp nhằm giải quyết tồn tại bất cập hiện nay trong vấn đề thu phụ thu ngoài giá vận chuyển bằng đường biển”; thư mời do ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam nêu rõ.
Được biết, đích thân Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công yêu cầu tổ chức cuộc họp này sau khi Bộ GTVT nhận được văn bản của Công ty cổ phần Dệt công nghiệp Hà Nội (Haicatex) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam về việc hãng tàu thu phí mất cân bằng vỏ container.
Trước đó, Haicatex – đơn vị có 90% nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu và 80% sản phẩm vải không dệt được xuất khẩu cho biết là toàn bộ các container xuất khẩu của đơn vị này qua hãng tàu STIC, KMTC, Huyndai, Evergreen; Heung – A, Donjin… đều phải nộp tiền phí mất cân bằng vỏ (CIC) với mức phí dao động từ 3,2 triệu – 3,6 triệu đồng/container 40ft. Trong khi đó, Haicatex cho rằng không phải hãng tàu nào cũng xảy ra tình trạng mất cân bằng vỏ nên việc thu phí CIC là phi lý và tự phát.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết thêm là phí mất cân bằng vỏ container là một loại phụ phí cước vận tải biển mà các hãng tàu thu để bù đắp chi phí phát sinh từ việc điều chuyển một lượng lớn vỏ container rỗng từ nơi thừa sang nơi thiếu. Phụ phí này thường thu một mức nhất định cho một container và có thể chỉ áp dụng vào từng giai đoạn cho hàng đi từng chuyến.
Điều đó có nghĩa là các hãng vận tải chỉ thu phụ phí này khi có phát sinh chi phí lớn trong việc vận chuyển vỏ container từ nơi này đến nơi khác. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các doanh nghiệp, các hãng vận tải liên tục thu phụ phí này tại tất cả các thời điểm trong năm, trong khi chỉ được áp dụng vào mùa cao điểm, khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi nhiều nhất.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may cho biết là hiệp hội các ngành hàng đã nhiều lần đề nghị các hãng tàu ngoại xóa bỏ các phụ phí vô lý và tự phát, trong đó phụ phí CIC bị cho là vô lý nhất.
“Việc các hãng tàu nước ngoài tiếp tục áp dụng biểu phí và phụ phí ngày một tăng, trong đó nhiều loại phụ phí khá vô lý càng làm tăng sự khó khăn cho các doanh nghiệp khi mà chi phí logistics chiếm đến 60% tổng chi phí XNK”, ông Cẩm nói.