Doanh nghiệp
Doanh nghiệp dệt may “oằn mình” vượt khó
Lạm phát và suy thoái kinh tế khiến lượng đơn hàng xuất khẩu giảm trầm trọng, nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải gồng mình để kéo lại cái Tết cho người lao động.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang cố gắng duy trì việc làm để giữ chân người lao động chờ thị trường phục hồi

Từ bài học kinh nghiệm

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đơn hàng các tháng cuối năm nay và quý I/2023 của nhiều doanh nghiệp giảm khá mạnh, mức  giảm bình quân 25 - 27%.

Đặc biệt, với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng tăng, mua nguyên phụ liệu và tỷ giá chênh lệch.

Trái ngược với thời điểm quý I năm nay, các doanh nghiệp trong ngành nhận được nhiều đơn hàng đến quý II, quý III, nhưng lại thiếu lao động, hoặc lao động nhảy việc, nghỉ việc, khó đáp ứng tốc độ, số lượng đơn hàng. Hiện tại, khi doanh nghiệp đã tuyển đủ lao động cho sản xuất, thì việc giảm chi tiêu của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… lại khiến cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu chững lại.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Vitas sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối doanh nghiệp trong nước với nhau và với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu; phối hợp với các tổ chức quốc tế lớn triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, thiết kế, xây dựng thương hiệu...

Khảo sát nhanh về tình hình lao động, việc làm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở 37 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai quy mô từ 1.000 - 50.000 lao động, hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ… đang sử dụng hơn 208.000 lao động cho thấy: 40,5% doanh nghiệp có cắt giảm lao động, 45,9% doanh nghiệp giữ nguyên và chỉ có 13,5% doanh nghiệp cần tuyển dụng thêm lao động. Bên cạnh đó, có hơn 54% doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm của người lao động. Về tình hình sản xuất, kinh doanh sắp tới, có tới 68% doanh nghiệp dự đoán đơn hàng sẽ tiếp tục giảm, 9% doanh nghiệp thông tin đơn hàng tăng và 23% doanh nghiệp chưa biết.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm mọi cách để co kéo việc làm nhằm giữ chân người lao động.

Các doanh nghiệp lý giải là, vì họ đã có được bài học kinh nghiệm từ những thời điểm khó khăn trước do Covid-19. Được biết, thời điểm chịu ảnh hưởng của giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất bị tạm ngưng, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm hàng loạt lao động. Chính vì vậy, khi thị trường phục hồi, đơn hàng dồn dập, họ đã ra sức tuyển công nhân số lượng lớn, nhưng vẫn rất khó tuyển vì tính cạnh tranh cao. Mặt khác, sau khi tuyển thêm công nhân mới, các doanh nghiệp này cũng khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường, bởi sẽ mất nhiều thời gian để đào tạo và giúp các lao động mới thích nghi, làm quen với công việc.

Muôn cách vượt khó

Thay vì tăng gia sản xuất, rốt ráo tăng ca để làm kịp những đơn hàng dồn dập như mọi năm, bức tranh hoạt động của các doanh nghiệp ngành dệt may xuất khẩu cuối năm nay lại vô cùng ảm đạm.

Ông Huy Linh, đại diện Công ty TNHH Dệt may Linh Đan (TP. Dĩ An, Bình Dương) cho biết, đến nay, do đơn hàng đã giảm tới 70%, nên Công ty chỉ còn “cầm cự” được hết tháng 12. Dù vậy, tới thời điểm này, Linh Đan vẫn cố gắng giữ chân 100% nhân sự.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Linh nói: “Tôi đang bỏ tiền túi ra để trả lương cho công nhân, chứ lợi nhuận, doanh thu của Công ty còn đang âm. Giờ chúng tôi chỉ mong sao sau Tết có đơn hàng, nếu không cứ tiếp tục tình trạng như hiện nay thì không biết sẽ đi về đâu”.

Tình trạng tương tự, nhưng Công ty CP May Phương Đông (quận Gò Vấp, TP.HCM) có phần ổn định hơn. Theo ông Phan Đinh Quang, đại diện Công ty, từ tháng 11 tới nay, lượng đơn hàng về đã giảm khoảng 40%, nhưng May Phương Đông vẫn có thể cố gắng duy trì việc làm cho hơn 2.000 lao động, đồng thời có chế độ thưởng Tết cho người lao động nhờ nhận gia công cả những đơn hàng không thuộc thế mạnh của mình, đa dạng hóa các mặt hàng, sản phẩm. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, Công ty cũng sẵn sàng nhận cả những đơn hàng nhỏ, lẻ và giá trị thấp, giá không tốt để duy trì việc làm cho người lao động.

Công ty TNHH Viking Việt Nam (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng áp dụng những cách làm tương tự nhằm có thêm việc để giữ chân người lao động. Được biết, lượng đơn hàng của Viking đã giảm khoảng 5% ở quý IV/2022, nhưng tình hình sắp tới sẽ ít lạc quan khi đến thời điểm hiện tại, lượng đơn hàng cho quý I/2023 đã giảm khoảng 30%.

Bà Lê Nguyễn Trang Nhã, CEO Công ty TNHH Viking Việt Nam cho hay, Viking vẫn đang giữ nguyên lương, thưởng Tết và duy trì việc làm cho người lao động. Để làm được vậy, bên cạnh những phương pháp như đa dạng sản phẩm, nhận đơn nhỏ, lẻ… Viking còn nỗ lực phát triển thêm khách hàng nội địa.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển thị trường ngách, chọn đối tượng khách hàng là những người làm việc trong những điều kiện rất khắc nghiệt, sử dụng những nguyên phụ liệu đặc biệt để tạo ra những công năng tối ưu hơn cho sản phẩm”, bà Nhã nói.

Kỳ vọng và giải pháp

Khó là vậy, nhưng theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, ngành dệt may vẫn có khả năng tìm được cơ hội bứt phá. Giai đoạn 6 tháng cuối năm, dù tình hình sản xuất chững lại, song kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2022 dự kiến vẫn giữ mức tăng trưởng tốt, ước đạt 42 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm 2021.

Theo ông Giang, chính tình hình khó khăn lại là áp lực buộc doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường. Thành công của nhiều doanh nghiệp trong khó khăn vẫn tăng trưởng như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè, An Phước... sẽ là sự tham khảo tốt cho các doanh nghiệp trong ngành.

Ông Giang cũng đề xuất nhiều biện pháp như thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất, phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp ở thời điểm này và tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

Tin liên quan
Tin khác