Năm 2017 là năm có nhiều thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam, tuy nhiên, từ quý 2 trở đi, với quyết tâm cao, toàn ngành đã vượt qua thách thức, đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức 31 tỷ đô la Mỹ, tăng trên 10% so với năm 2016.
Năm 2018 được dự báo là một năm khởi sắc của dệt may Việt Nam, ngành tự tin đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 33,5-34 tỷ đô la Mỹ, tăng 10% so với năm 2017. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm lực và thuận lợi sẵn có, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với không ít thách thức như sức ép cạnh tranh về đơn hàng, giá điện, than, phí và phụ phí cảng và tàu biển tăng.
Tăng lương tối thiểu vùng khiến nhiều doanh nghiệp dệt may khó khăn (Ảnh: KT) |
Đặc biệt, việc tăng lương tối thiểu 6,5% trong năm 2018 sẽ là một cản trở, gánh nặng rất lớn đối với doanh nghiệp dệt may. Theo phân tích của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ năm 2008 đến nay, Nhà nước đã 10 lần tăng lương tối thiểu vùng, trong đó doanh nghiệp trong nước tăng bình quân gần 22%, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trên 15%.
Việc tăng lương tối thiểu vùng làm tăng phí đóng bảo hiểm xã hội, tăng chi phí nhân công cho doanh nghiệp. Toàn ngành dệt may, với mức lương tối thiểu tăng 6,5% từ năm 2018 sẽ khiến chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó riêng chi phí đóng quỹ công đoàn lên tới 500 tỷ đồng.
Ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, lương tối thiểu không phản ánh đúng mức lương mà doanh nghiệp trả cho công nhân may. Hiện nay, phần lớn trả lương dựa trên năng suất lao động của công nhân, 99% doanh nghiệp trả cao hơn lương tối thiểu. Với mức tăng lương tối thiểu đều như các năm gần đây là một gánh nặng rất lớn về chi phí cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, trong đó có ngành dệt may.
Ông Việt lo lắng, đây là một ngành đặc thù, nếu chính sách tăng lương tối thiểu liên tục như hiện nay sẽ là áp lực lớn, thậm chí dẫn đến phá sản nếu doanh nghiệp dệt may không chịu nổi chi phí.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, tăng lương tối thiểu tác động đến tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thất nghiệp. Điều này cũng tác động đến lợi nhuận từ sản phẩm mà doanh nghiệp thu được, đồng thời, tăng áp lực cho người quản trị doanh nghiệp dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không đủ sức để vượt qua những áp lực về chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, năm 2018 phí bảo hiểm xã hội được tính trên tổng thu nhập sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng đột biến.
“Việc tăng lương tối thiểu tác động đến ngành dệt may vốn đang trước sức ép cạnh tranh cực kỳ gay gắt và khả năng khó đạt mục tiêu tăng trưởng như mong muốn của ngành và phát triển bền vững của doanh nghiệp”. Ông Vũ Đức Giang cho hay.