Lạc quan với thị trường
Cơn “bão” Covid-19 khiến cả nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng chịu thiệt hại nặng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp địa ốc nào cũng bi quan về tương lai của doanh nghiệp, thị trường, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Lộc cho biết, thị trường bất động sản vừa qua có tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các phân khúc đều khó. Vẫn có những phân khúc có giao dịch tốt như đất nền và nhà trung cấp, bình dân. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư đã chủ động trong việc phòng chống dịch, có các phương án hợp lý, nên ít bị tác động. Bằng chứng là ngay khi Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh, nhiều chủ đầu tư đã rục rịch ra hàng, triển khai phương án kinh doanh.
Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao Bộ phận Thị trường vốn tại Việt Nam của JLL cho biết: “Nhiều nhà đầu tư mà chúng tôi làm việc vẫn giữ bình tĩnh và lạc quan, họ cũng cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam trong dài hạn. Nhờ dịch bệnh được kiểm soát tương đối tốt ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị cho các hoạt động kinh doanh của họ trở lại bình thường”.
Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai dự án, hoặc mở bán dự án mới ngay khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Ảnh: Shutterstock |
Theo đại diện của JLL Việt Nam, nhu cầu đối với phân khúc văn phòng và nhà ở vẫn ổn định, trong khi các khu công nghiệp được dự báo là thị trường hứa hẹn, nhất là với chiến lược Trung Quốc +1 của các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới để tránh phụ thuộc vào một quốc gia.
Báo cáo mới nhất của JLL cũng cho biết, một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.
Mới đây nhất là việc Panasonic thông báo chuyển nhà máy từ Thái Lan sang Việt Nam, hay động thái Apple tuyển dụng nhân sự, được cho là chuẩn bị cho kế hoạch mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam…
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC ví von, dịch bệnh Covid-19 với thị trường địa ốc như một cơn bão. Nếu ta ví các phân khúc của thị trường địa ốc là các loài cây thì sẽ có cây đổ, cây bị nghiêng, nhưng cũng có cây vẫn đứng vững, thậm chí là sinh trưởng mạnh sau bão. Cụ thể, vừa qua, dù thị trường gặp khó khăn, nhưng phân khúc nhà ở trung bình trở xuống vẫn có giao dịch tốt.
“Đây là những tín hiệu vui của thị trường, nó hoàn toàn không giống các đợt khủng hoảng của thị trường địa ốc trước đây. Khi đời sống xã hội trở lại bình thường, thị trường bất động sản sẽ phục hồi nhanh chóng ở từng phân khúc phù hợp”, ông Dũng nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều tín hiệu lạc quan khi Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Quy luật cho thấy, sau khó khăn, thị trường lại khởi sắc, nếu biết đón sóng, biết điểm rơi của thị trường, thì dịch Covid-19 lại là thời cơ tốt cho nhà đầu tư.
Còn theo dự báo của TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, sức mua bất động sản trong nước chưa thể thay đổi theo chiều hướng tích cực ngay, nhưng kỳ vọng tới cuối năm nay, khi đại dịch đã được hoàn toàn kiểm soát tại Việt Nam và trên toàn thế giới, nền kinh tế sẽ trở lại ổn định, bất động sản sẽ khả quan hơn.
Chủ động tìm hướng đi mới
Ông Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, dịch Covid-19 như một tác nhân giúp các doanh nghiệp địa ốc “cải mệnh” cho mình và làm mới, sắp xếp lại toàn cảnh thị trường địa ốc. Hầu như 100% các chủ đầu tư đều phải thay đổi kế hoạch kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế.
“VIDEC cũng vậy, chúng tôi phải xác định lại mục tiêu một cách cụ thể và tập trung vào mục tiêu đó, không đầu tư dàn trải, mà tập trung vào phân khúc trung bình là chính, đặc biệt là đất nền vùng ven và các tỉnh lẻ. Bởi với nghiên cứu của chúng tôi, đây vẫn là phân khúc màu mỡ và có nhiều tiềm năng”, ông Dũng cho biết.
Đại diện Danko Group cũng cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh, nhờ chuẩn bị tốt công tác nguồn lực tài chính, xây dựng lại kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu, xác định lại nhu cầu của thì trường, nên khi dịch bệnh được khống chế, Danko Group đã chủ động quay lại bắt nhịp hoạt động ngay. Hiện tại, Công ty đang đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án Danko City ở Thái Nguyên và được đông đảo khách hàng rất quan tâm.
Đại diện Công ty Thiên Lộc cho biết, đã chuẩn bị về mặt tài chính, trang thiết bị, con người để sẵn sàng “làm lớn”, thi công các dự án của các chủ đầu tư lớn. Đồng thời, công ty cũng đang chuẩn bị triển khai thi công hạ tầng cơ sở hai dự án đất nền liền kề ở Thái Nguyên, Đồng Nai của mình.
“Phân khúc đất nền vẫn dẫn đầu thị trường, chứng tỏ được lợi thế của mình, ít chịu tác động từ dịch bệnh hơn. Đặc biệt, phân khúc trung cấp trở xuống ở các tỉnh vùng lân cận trung tâm thành phố lớn như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Đồng Nai… đang có nguồn cầu rất lớn chính là mục tiêu ngắn hạn của chúng tôi trong thời gian tới”, vị đại diện này cho hay.
Tiết lộ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Khai Sơn Group cũng cho biết, hiện đang hoàn thiện các dự án còn đầu tư dở dang. Đồng thời, đang đầu tư trên “mặt trận” mới là năng lượng sạch, năng lượng tự nhiên.
Đại diện Phúc Hà Group cũng cho biết, vẫn đang trung thành với phân khúc nhà ở trung cấp trở xuống ở vùng ven Hà Nội. Hiện Công ty đang nghiên cứu, chuẩn bị cho ra thị trường thêm sản phẩm mới.
Có quỹ đất lớn trải đều ở TP.HCM và các tỉnh thành lân cận như Long An, Đồng Nai, Tập đoàn Nam Long mới đây công bố xây dựng kế hoạch năm 2020 trên tinh thần cẩn trọng trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu sức ảnh hưởng lớn từ Covid-19, từ đó tác động đến toàn ngành bất động sản. Xác định năm 2020 sẽ không dễ dàng, Nam Long điều chỉnh kế hoạch bán hàng an toàn nhất, với chỉ tiêu tổng doanh số cho các hạng mục sản phẩm, dự án và bất động sản thương mại 6.351 tỷ đồng, tương ứng tăng 317% so với năm 2019.
Doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu 1.520 tỷ đồng, lợi nhuận 820 tỷ đồng đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi phát triển đô thị, phát triển nhà ở và “mở khóa” 40% trên tổng số 113 ha quỹ đất bất động sản thương mại nhằm hình thành nên hệ sinh thái bất động sản thương mại hoàn chỉnh.
Nam Long cũng đặt kế hoạch dành từ 500 - 1.000 tỷ đồng để tích lũy thêm ít nhất 10 - 20 ha quỹ đất sạch, sẵn sàng cho việc phát triển dự án, phát triển của các dòng sản phẩm phù hợp với thu nhập của từng phân khúc thị trường như sản phẩm nhà ở vừa túi tiền (affordable
housing) EHome/EHomeS, Flora; nhà phố/biệt thự Valora hay quy mô lớn hơn là các khu đô thị với hệ sinh thái bất động sản hoàn chỉnh.
Ở góc độ khác, Sunshine, Cen Group lại đầu tư mạnh hơn cho công nghệ trong bán hàng, ra mắt các áp điện tử giới thiệu sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khuyến nghị, doanh nghiệp bất động sản nên tận dụng thời gian này để rà soát và thực hiện chiến lược “tái cấu trúc doanh nghiệp” theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm chủ lực.
Đối với các tập đoàn lớn có thể lựa chọn phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành để có thể ứng phó hiệu quả với các biến động của thị trường. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, số hóa, trí tuệ nhân tạo, thực tại ảo, kinh doanh online vào lĩnh vực bất động sản.