- Ông Trần Hiền Phương, Tổng giám đốc Công ty Sea Holdings
Thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực, nhu cầu mua nhà ở thực vẫn mạnh mẽ, nhiều dự án bị đình trệ đã quay trở lại thực hiện. Lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm cũng là yếu tố thúc đẩy thị trường phát triển.
Tất nhiên, trong ngắn hạn, thị trường vẫn tồn tại những khó khăn khó có thể đoán định, nếu các lãnh đạo doanh nghiệp không chèo lái con thuyền vượt sóng thành công, thì bản thân đơn vị sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường và các nhà đầu tư hoàn toàn mất niềm tin vào doanh nghiệp đó. Bởi thế, doanh nghiệp cần điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, đi theo hướng bền vững. Các đơn vị phát triển dự án bất động sản phải nỗ lực tìm ra những điểm khác biệt trong sản phẩm của mình. Trên cơ sở đáp ứng được tối đa về nhu cầu, niềm tin phục hồi, cũng như khi nguồn cung tăng lên, thì nhà đầu tư sẽ xuống tiền.
- Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa
Sau những gì đã xảy ra, các doanh nghiệp bất động sản đã có một bài học sâu sắc về quản trị, điều hành doanh nghiệp. Tôi hy vọng, khó khăn sẽ giảm dần theo thời gian, sang năm 2024, thị trường bất động sản sẽ hồi phục.
Để chuẩn bị nền tảng cho thị trường bứt phá, tôi cho rằng, phải hạn chế đầu cơ. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết thu nhập từ việc sử dụng, chuyển nhượng bất động sản vào ngân sách nhà nước và gián tiếp điều chỉnh hành vi đầu cơ.
Về giải pháp mang tính dài hạn, Chính phủ cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, bảo đảm thị trường phát triển cân đối giữa cung và cầu. Sớm sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản một cách đồng bộ, tránh chồng chéo, qua đó nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường. Hoàn thiện hệ thống thông tin, giúp thị trường bất động sản sớm ổn định trở lại.
- Ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding
Trải qua những thăng trầm của thị trường, quan điểm của tôi bây giờ không phải là kiếm tiền cho mình, mà kiếm tiền cho những người đi theo mình. Ngoài việc đào tạo, những buổi trải nghiệm thực tế cho nhân viên, Asian Holding vẫn đang săn quỹ đất, mua bán - sáp nhập (M&A) nếu có dự án phù hợp và đúng với nhu cầu.
Tôi rất tâm đắc câu nói của nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett, đó là “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”. Khi mà ai cũng sợ hãi và không quan tâm, thì đó là lúc đáng để mua.
Dự báo từ nay đến cuối năm, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đối diện với khó khăn về dòng tiền và nhân sự. Song, đối với Asian Holding, công ty vẫn triển khai dự án ở thị trường cũ và tìm kiếm cơ hội mới xoay quanh bán kính dưới 150 km tính từ TP.HCM.
- Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group
Để vượt qua khó khăn, Trần Anh Group tập trung vào những dự án hiện hữu để duy trì. Cụ thể, bên cạnh việc bàn giao nhà cho khách hàng Dự án Khu đô thị Phúc An Ashita ở Bình Dương, chúng tôi còn đẩy mạnh công tác bán hàng tại Dự án Phúc An Asuka tại TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang). Sau gần 1 năm xây dựng, dự án đã gần như hoàn thiện, các sản phẩm tại Phúc An Asuka đều có pháp lý đầy đủ và có sổ riêng từng nền.
Mới đây, Trần Anh Group đã thực hiện bàn giao sổ hồng cho những cư dân đầu tiên của khu đô thị này. Người mua nhà tại Phúc An Asuka ngoài dân địa phương, còn đến từ các khu vực lân cận như Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Mỹ Tho..., thậm chí xa hơn như TP.HCM.
Điều mong mỏi nhất của doanh nghiệp lúc này là cụ thể hóa những chủ trương của Chính phủ, bởi dù đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng hiện nay mọi thứ đang rất mơ hồ. Các dự án dù đã phân loại, phân nhóm rồi, nhưng giải quyết rất chậm. Ngay cả giảm lãi vay cũng cần cụ thể, rõ ràng.
- Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group
Khó khăn của thị trường hoàn toàn khác với cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008 - 2013. Cuộc khủng hoảng trước đây là do đầu tư dàn trải, tình trạng đầu cơ ồ ạt không theo quy luật cung - cầu và sự mất cân đối trong đòn bẩy tài chính, còn hiện nay, thị trường đang vận hành khá tốt theo quy luật cung - cầu, khó khăn chủ yếu là về nguồn vốn.
Chính trong sự khó khăn này lại hình thành những cơ hội mới cho thị trường. Theo đó, các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp có thể mua lại quỹ đất để phát triển dự án, thay vì trước đó quỹ đất bị đầu cơ tích trữ.
Hiện đã thấy tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Tín hiệu này đến từ các chính sách tài khóa và tiền tệ được Chính phủ thực hiện từ đầu năm đến nay, giải ngân cho các dự án đầu tư công được đẩy mạnh, giúp lượng tiền cung ra nền kinh tế dồi dào, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, đầu tư khởi sắc.
Riêng với Phú Đông Group, chúng tôi phân kỳ đầu tư để cho ra sản phẩm có mức giá hợp lý và chú trọng đáp ứng nhu cầu thật của thị trường. Muốn “sống khỏe”, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm là phải xác định nhu cầu thực của khách hàng là gì. Sau đó, xác định nên tập trung vào dự án nào, để từ đó điều chỉnh lại nguồn cung cho phù hợp.
- Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành
Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, có thể kể đến như chi phí cao, lợi nhuận thấp, thủ tục kéo dài… Do vậy, để người lao động tại các đô thị lớn như TP.HCM có nơi ở ổn định, phù hợp với túi tiền thì cần tháo gỡ vướng mắc về luật, cần có văn bản chỉ đạo cụ thể.
Nếu không có văn bản cụ thể, lãnh đạo các địa phương, cán bộ ở các tỉnh, thành phố rất sợ, không dám làm, vì nếu sai thì họ phải chịu trách nhiệm. Cuối cùng, doanh nghiệp có tâm huyết cũng không làm được nhà ở xã hội, trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn.
Ngoài ra, lãi vay làm nhà ở xã hội cần giảm hơn nữa, về mức 4,8 - 5% như gói 30.000 tỷ đồng trước đây.
- KTS. Nguyễn Bá Quyền, Tổng giám đốc TMT Home Mart - Ông Nguyễn Văn Hậu, CEO Asian Holding
Để khắc phục khó khăn do thị trường bất động sản “xuống dốc”, chúng tôi đã có những chuẩn bị nhất định. Cụ thể, trong kế hoạch năm, 6 giải pháp trọng tâm được chúng tôi đưa ra và lan tỏa xuống toàn bộ nhân viên để cùng đoàn kết thực hiện. Trong đó có 3 giải pháp được cho là thích ứng với thời cuộc là: "Tăng cường đào tạo" để cân bằng, giữ năng lượng và tinh thần tích cực cho nhân viên. "Áp dụng công nghệ" để cải tiến hiệu suất công việc và tiết giảm nguồn lực, linh động trong cách quản lý. "Tăng khả năng đáp ứng" để mở rộng công việc kinh doanh trong ngành, đa dạng hơn trong các dịch vụ cung ứng vào trong công trình, bổ sung doanh số sụt giảm của hệ thống.
Theo quan điểm của cá nhân tôi, vai trò và trách nhiệm của doanh nhân trong thời điểm hiện nay là rất lớn. Trong đó, tiên phong dẫn dắt tinh thần nhân sự, dìu dắt doanh nghiệp vượt khó, đảm bảo tính bền vững. Bên cạnh đó, người lãnh đạo phải có trách nhiệm duy trì công ăn việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp.
- Bà Nguyễn Thục Uyên, Giám đốc điều hành Công ty Kiến trúc và nội thất TAAN
Thị trường bất động sản ảm đạm là một thách thức đối với doanh nghiệp thi công và thiết kế nội thất như chúng tôi. Hiện tại, có rất nhiều vấn đề mà doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh khó khăn hiện nay như bài toán tài chính để duy trì hoạt động; nợ đọng kéo dài ảnh hưởng đến dòng tiền; các dự án bất động sản giảm dẫn đến hạn chế nguồn thu.
Để chèo lái doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số, hướng đến phát triển bền vững thì lãnh đạo doanh nghiệp phải linh hoạt và quyết liệt trong đổi mới, triển khai các công cụ và công nghệ số, khai thác sức mạnh của dữ liệu để vận hành doanh nghiệp hiệu quả, năng suất. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải xây dựng uy tín bằng việc đề cao trách nhiệm với xã hội trong việc hướng tới phát triển bền vững khi cam kết các giải pháp hiệu quả ít carbon, nâng cao tinh thần trách nhiệm của tập thể trong việc bảo vệ môi trường.
Hy vọng, với tinh thần trách nhiệm, kiên cường, không ngại dấn thân của doanh nhân Việt Nam, các doanh nghiệp cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện tại. Chúng tôi cũng mong Chính phủ có các chính sách mạnh mẽ hơn để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.