Thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ được “cởi trói” với quy định mới. |
“Gồng mình” chờ luật
Lâu nay, thủ tục pháp lý là vấn đề khiến các doanh nghiệp “đau đầu” nhất mỗi khi làm dự án. Mỗi dự án tại khu vực khác nhau lại có cách làm và trình tự khác nhau, không dự án nào giống dự án nào. Trong khi, một bước bị ách tắc cũng đủ khiến thời gian thực hiện dự án kéo dài hàng năm. Từ đó, nguồn cung sản phẩm thiếu hụt, đặc biệt là các sản phẩm vừa túi tiền. Dòng tiền không được luân chuyển một cách linh hoạt, phù hợp, tồn đọng ở các dự án dở dang…
Theo các thành viên thị trường bất động sản, ách tắc trong khâu thủ tục là một phần nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân đối trên thị trường, gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch cũng như xây dựng chính sách điều tiết thị trường. Do vậy, họ đặt kỳ vọng rất lớn đối với Luật Đất đai (sửa đổi) trong việc khơi thông thế bế tắc, tạo môi trường kinh doanh “mở” hơn, linh hoạt hơn, mà vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, công bằng cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường.
Ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Danh Việt Group nhận xét, Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp luôn mong đợi là sớm đưa luật vào thực tế nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó, thời gian hoàn thành và quy trình thủ tục hành chính cần được rút ngắn, nếu không, vẫn sẽ lặp lại câu chuyện ách tắc thủ tục các dự án.
Còn ông Nguyễn Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Hưng Lộc Phát cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận đất đai, phát triển dự án. Song, phải tới đầu năm 2025, luật mới có hiệu lực, rồi phải chờ các văn bản hướng dẫn thực thi… nên mất nhiều thời gian chờ đợi, trong khi doanh nghiệp gặp vướng mắc kéo dài nhiều năm qua, đã “sức cùng lực kiệt”, do đó, rất mong các thủ tục sớm được tháo gỡ.
Tạo đà cho chu kỳ mới
Ghi nhận ở góc độ thị trường, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được thông qua, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là “liều thuốc” có tác động mạnh đến tâm lý người mua, đặc biệt là với giới đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Ông Trần Hoài Bảo, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản TPI chia sẻ, Luật Đất đai (sửa đổi) gần 1 năm nữa mới được áp dụng trong thực tế, song tác động thấy rõ là đã khơi thông tâm lý và niềm tin thị trường, vốn bị kìm nén suốt thời gian qua.
“Thực tế cho thấy, từ xưa đến nay, đa số người Việt đều có tâm lý thích đầu tư bất động sản, bởi bất động sản không chỉ để ở, kinh doanh, mà còn là tài sản tích lũy. Khi có tiền của thì mọi người sẽ có xu hướng đầu tư vào bất động sản làm của để dành”, ông Bảo nói.
Vị CEO này cho biết thêm, thời gian qua, thị trường mất thanh khoản, một phần do bị tác động bởi suy thoái kinh tế, phần khác do giới đầu tư đứng ngoài cuộc vì lo sợ có sự thay đổi về chính sách với nhiều thông tin đồn đoán bất lợi trong đầu tư như giới hạn thời gian sở hữu chung cư, đánh thuế cao với người sở hữu bất động sản thứ hai…
“Qua thăm dò động thái tâm lý khách hàng, tôi tin là thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng tốt lên”, ông Bảo nói.
Cũng theo ông Bảo, ngoài việc khơi thông tâm lý được tác động từ chính sách, thì các yếu tố khác như mặt bằng lãi suất giảm sẽ kích thích nhu cầu đầu tư bất động sản tăng trở lại.
Ở góc độ khác, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận, những cải cách pháp lý đất đai gần đây của Việt Nam là một bước tiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Những cải cách này thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bất động sản. Điều này chắc chắn rất đáng khích lệ.
Minh chứng là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam trong năm 2023 đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lĩnh vực chế biến và sản xuất đạt vị trí cao nhất, chiếm 64,2% tổng vốn FDI, trong khi lĩnh vực bất động sản vững chắc ở vị trí thứ hai, chiếm hơn 12,7% dòng vốn. Nổi bật là phân khúc bất động sản công nghiệp, phát triển vượt trội so với phân khúc bất động sản nhà ở, thương mại và khách sạn.
Ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam dự báo, Luật Đất đai mới được thông qua sẽ thúc đẩy số lượng giao dịch tăng đáng kể trong thời gian tới. Nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi các văn bản pháp luật có hiệu lực.
Hiện bất động sản công nghiệp chiếm ưu thế trong dòng vốn FDI vào Việt Nam, nhưng nhiều nhà đầu tư đang muốn đầu tư dự án tòa nhà văn phòng và khách sạn ở các thành phố. Với lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng sẽ cần thêm một thời gian nữa để phục hồi hoàn toàn.
“Tôi tin rằng, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, tâm lý nhà đầu tư đối với lĩnh vực bất động sản sẽ thay đổi mạnh mẽ. Chúng ta sẽ thấy những cam kết mới, dự án mới được công bố. Đó thực sự là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi”, ông Neil MacGregor khẳng định.