Chuyển động thị trường
Doanh nghiệp địa ốc tích cực gom đất vùng ven
Vũ Anh - 24/05/2021 08:57
Việc nhiều chủ đầu tư chuyển hướng đầu tư ra các địa bàn xa các thành phố lớn nhằm tận dụng các lợi thế về giá đất và một số ưu đãi khác, nhưng cũng từ nhu cầu thực tế.
Novaland hiện có quỹ đất hơn 5.400 ha. Trong ảnh: Một dự án bất động sản của doanh nghiệp này tại quận 9 (TP.HCM)

Gom quỹ đất “vùng trũng”

Công ty cổ phần đầu tư Nam Long đang sở hữu quỹ đất 681 ha với các dự án ở 6 thị trường tiềm năng thuộc các thị trường trọng điểm phía Nam, như TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Cần Thơ…, nhưng doanh nghiệp này vẫn muốn gom thêm đất ở nhiều địa bàn khác.

Mỗi năm, Công ty Nam Long dự kiến dành khoảng 2.000 tỷ đồng mua thêm đất để chuẩn bị nguồn cung Dự án trong tương lai.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long từng khẳng định, Công ty sẽ tập trung mọi nguồn lực để mở rộng quỹ đất. Hiện nhiều đối thủ vướng pháp lý và áp lực tài chính buộc phải xả hàng để giải quyết khó khăn. Mục tiêu thu mua của Nam Long là quỹ đất phải có quy mô lớn và vị trí thuộc các tỉnh, thành phố vệ tinh, hoặc tọa lạc tại cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thậm chí vươn ra cả phía Bắc.

Mỗi năm, Công ty Nam Long dự kiến dành khoảng 2.000 tỷ đồng mua thêm đất để chuẩn bị nguồn cung dự án trong tương lai.

Tham vọng bành trướng quỹ đất của Nam Long nhắm đến mục tiêu trở thành ông lớn phát triển các đại đô thị chuyên nghiệp, hướng tới mục tiêu doanh thu tỷ USD vào năm 2030. Muốn tham gia đường đua này thì phải có quỹ đất cực lớn và phải là nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp cả về trình độ quản lý lẫn thu xếp dòng vốn.

Trong đó, phân khúc chủ lực được Nam Long nhắm đến là nhà ở vừa túi tiền trong các khu đô thị. Phân khúc này đáp ứng nhu cầu ở thật, nên sẽ là phân khúc đứng vững trong mọi hoàn cảnh.

Mặc dù tích cực đi gom quỹ đất, nhưng Nam Long cũng tận dụng cơ hội khi bán lại dự án khu đô thị 45 ha tại đảo Đại Phước (tỉnh Đồng Nai) cho Novaland.

Trong khi đó, Novaland đã và đang tiến hành gom quỹ đất tại những tỉnh giáp ranh về phía Đông của TP.HCM thông qua chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A). Thực tế, Novaland đã tích lũy quỹ đất từ cách đây hơn một thập kỷ. Do đó, việc tên tuổi này nắm nhiều quỹ đất là điều dễ hiểu.

Kết thúc quý I/2021, Novaland ghi nhận quỹ đất hơn 5.400 ha, tổng giá trị phát triển dự án ước đạt gần 45 tỷ USD. Trong vòng 10 năm tới, Novaland dự kiến bổ sung thêm 10.000 ha nữa tại một số địa phương như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... Cùng với đó là kế hoạch lấn sân sang mảng bất động sản công nghiệp. Hiện tại, Novaland tập trung phát triển các khu đô thị vệ tinh, tổ hợp bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí.

Các “ông lớn” không chỉ gom quỹ đất ở các khu vực được xem là thành phố vệ tinh của thành phố trung tâm, mà còn sẵn sàng đi rất xa. Ở khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk, Lâm Đồng hay Gia Lai đang trở thành “vùng trũng” đón làn sóng đầu tư của nhiều tập đoàn trong nước như T&T, Tân Thành Đô, Tân Á Đại Thành... Các tỉnh như Thanh Hóa, Thái Nguyên… đang thu hút các chủ đầu tư như Vingroup, FLC, Eurowindow, BRG, TNG...

Gom đất có gây rủi ro cho thị trường?

Việc các chủ đầu tư chuyển hướng ra nhiều tỉnh, thành phố có thể là để tận dụng các lợi thế về giá đất và một số ưu đãi khác, song cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế.

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, cư dân ở những đô thị xung quanh Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, hay thậm chí xa hơn vẫn có sự kết nối rất tốt về về thông tin, dịch vụ, hàng hóa. Điều kiện sống dần tốt hơn đồng nghĩa với nhu cầu về các không gian sống “xứng tầm” cũng dần nhiều hơn.

“Các chủ đầu tư hiểu rất rõ nhu cầu này và họ lập tức tìm cách đáp ứng, triển khai nhiều dự án đa công năng, đưa ra cho khách hàng rất nhiều lựa chọn”, ông David Jackson cho biết.

Dù vậy, chuyển địa bàn hoạt động, các chủ đầu tư cũng sẽ gặp không ít thách thức. Chẳng hạn, họ phải nghiên cứu thị trường để tìm ra đúng tệp khách hàng tiềm năng phù hợp với thế mạnh của mình. Nhà đầu tư cũng có thể phải góp phần phát triển hạ tầng tại khu vực xung quanh dự án để giúp việc kết nối thuận tiện hơn.

Bài toán “muôn thuở” của nhà đầu tư là mua nhà, đất ở đâu, mua dự án gì và cả chiến lược rút lui. Nhà đầu tư có những tính toán để bán lại bất động sản ở những thời điểm khác nhau. Vấn đề là khi có nhiều bất động sản được bung ra và xu hướng giá tăng lên, thì hiện tượng “lướt sóng” cũng xuất hiện nhiều hơn. Đặc biệt, bất động sản cũng sẽ qua tay nhiều người hơn và khiến giá tăng chóng mặt.

Điều này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường. Bằng chứng là sốt đất đang diễn ra ở nhiều nơi, nhưng giới chuyên môn vẫn nhìn nhận thị trường bất động sản Việt Nam khá tích cực.

Theo ông David Jackson, trong khoảng 5-6 năm tới, sẽ không có quá nhiều vấn đề phức tạp. Nhưng về dài hạn, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý “lướt sóng” trong ngắn hạn. Khi tâm lý “lướt sóng” là chủ đạo, thì chủ đầu tư cũng nên nghiên cứu thực sự chuyên sâu và bài bản trước khi triển khai dự án để thực sự hiểu về khách hàng tiềm năng.

Không ít nhà đầu tư vẫn tin rằng, người Việt quá hào hứng với việc mua bất động sản để tìm kiếm lợi nhuận về sau. Điều này có thể đúng ở một số thời điểm, song quan trọng hơn, khách hàng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng không gian sống, các điểm nhấn kiến trúc.

Tin liên quan
Tin khác