Ảnh minh họa. (Chí Cường) |
Du lịch sẽ trở lại từ cuối năm 2021?
CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài chia sẻ, du lịch là ngành kinh tế đặc thù, rất nhạy cảm với các biến động kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh… nhưng lại có tính thích nghi và phục hồi rất nhanh chóng. Gần 2 năm Covid-19 hoành hành, ngành kinh tế xanh luôn hoạt động theo “cơ chế công tắc điện”, tức đóng cửa khi giãn cách, mở cửa kinh doanh khi dịch được kiểm soát.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia
Theo khảo sát “Chào đón du lịch trở lại” do nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda công bố, 60% người Việt Nam dự đoán, du lịch nội địa sẽ hoạt động trở lại trong 6 tháng tới. Bên cạnh đó, cứ 5 người được hỏi, thì có 2 người bày tỏ hy vọng, du lịch trong khu vực châu Á sẽ không bị giới hạn và 38% du khách cho rằng, du lịch quốc tế sẽ không bị hạn chế trong 6 tháng tiếp theo.
Dự báo 3 kịch bản
Ông Nguyễn Văn Tài dự báo, du lịch Việt Nam sẽ diễn biến theo 3 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, kinh doanh du lịch sẽ trở lại từ cuối năm 2021 bất chấp Covid-19 vẫn tồn tại. Bởi theo ông Tài, nhiều chuyên gia về y tế, dịch tễ và cả lãnh đạo chính quyền đã thừa nhận, việc quét sạch Covid-19 là không khả thi trong ngắn hạn. Điều đó có nghĩa, chúng ta sẽ phải sống chung với Covid-19 và thích ứng, các hoạt động không thể tê liệt mãi.
“Dịch vẫn còn, nhưng khi vắc-xin được phủ rộng, thì miễn dịch cộng đồng sẽ cho phép các ngành kinh tế, trong đó có du lịch hoạt động trở lại. Kịch bản này khả khi ở giai đoạn cuối năm 2021 và nửa đầu 2022. Khi đó, chiến dịch du lịch Tết Nguyên Đán và du xuân năm 2022 sẽ đánh dấu sự phục hồi của ngành kinh doanh du lịch lữ hành”, ông Tài chia sẻ quan điểm.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh, ông Trần Trọng Kiên cũng bày tỏ tin tưởng, với định hướng chiến lược lấy vắc-xin là ưu tiên số 1 của Chính phủ, cùng các dự báo, vào khoảng cuối năm nay, vắc-xin sẽ về đủ để tiêm cho 70% dân số Việt Nam. Tại các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế lớn, người dân sẽ được tiêm vắc-xin đầy đủ. Với nền tảng cơ sở như vậy, Việt Nam có thể mở cửa.
Kịch bản thứ hai, là Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn trong nước, không có ca mắc mới trong cộng đồng nhiều ngày liên tiếp vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022. Lúc này, các bộ, ngành, địa phương sẽ tích cực đẩy mạnh kích cầu du lịch với nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá vé thắng cảnh, tăng cường truyền thông điểm đến an toàn và khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh.
“Khi du lịch nội địa sôi động trở lại, thì việc thí điểm đón khách quốc tế có ‘hộ chiếu vắc-xin’ sẽ được các cơ quan chức năng xem xét và cho phép triển khai. Một số loại hình du lịch thể thao như du lịch golf tại các các hòn đảo độc lập như Phú Quốc hay các quần thể du lịch khép kín hiện đại cũng sẽ là những phương án khả thi”, ông Tài nói.
Kịch bản thứ 3, theo CEO VietSense Travel, là kinh doanh du lịch lữ hành thịnh vượng từ năm 2023. Với sự phát triển mạnh mẽ của vắc-xin và thuốc chữa Covid-19, thế giới sẽ bình thường trở lại, kinh tế toàn cầu sẽ mở rộng như vốn có và du lịch với đặc thù của ngành kinh tế điển hình không biên giới, sẽ phát triển mạnh.
Khi đó, với sự ổn định về chính trị, là một đất nước an toàn cùng với tài nguyên du lịch biển dọc theo chiều dài đất nước, nền văn hóa đậm đà bản sắc, thiên nhiên đa dạng, phong phú, ẩm thực độc đáo, chi phí giá rẻ và đặc biệt đang mở cửa, hội nhập sâu rộng với thế giới, chắc chắn, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến thu hút được lượng khách đông đảo từ các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
“Với tinh thần lạc quan, tổng hợp từ tình hình xã hội và hành vi du khách trên cơ sở thực tế, tôi tin rằng, kinh doanh du lịch lữ hành sẽ chính thức trở lại từ cuối năm nay bất chấp Covid-19 chưa bị quét sạch hoàn toàn và sẽ dần phục hồi từ năm 2022, trở nên hưng thịnh từ năm 2023”, ông Tài kỳ vọng.