. |
Báo cáo về tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong quý I/2020, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, một trong những ảnh hưởng lớn nhất, đó là khiến các chuyến công tác tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.
Một số cái tên được nhắc đến, là Apple, ExxonMobil… Và vì thế, việc đưa ra các quyết định đầu tư đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI cũng bị lâm cảnh thiếu hụt chuyên gia, kỹ thuật viên cao cấp người nước ngoài; nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, tiến độ triển khai các dự án tại Việt Nam.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn về tài chính do thị trường tiêu thụ giảm mạnh, sản xuất đình trệ, nhất là với những doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang các vùng dịch.
Cũng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì việc kinh doanh nên đã quyết định tạm ngưng hoạt động hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên. Nhiều lao động bị mất việc làm, không có thu nhập nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, như Korcham, Eurocham đã kiến nghị các cơ quan, ban ngành liên quan phối hợp thực thi các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp FDI, như gia hạn khoản nợ vay ngân hàng, giảm lãi vay, gia hạn thời gian đóng thuế cho doanh nghiệp…
Trong khi đó, Cục Đầu tư nước ngoài kiến nghị rằng, cần tạo thuận lợi cho các chuyên gia trong các dự án đầu tư nước ngoài trong việc nhập cảnh theo hình thức đặc biệt. Đó là sau khi có xét nghiệm âm tính, thì được làm việc tại khu độc lập, tự cách ly, do UBND tỉnh bảo lãnh và giám sát.
Bên cạnh đó, cho phép các chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI được gia hạn Giấy phép lao động để tạm thay thế cho những người chưa được nhập cảnh. Cùng với đó, cấp giấy phép lao động cho chuyên gia Đài Loan thay thế cho chuyên gia của Trung Quốc không vào được Việt Nam.
Một đề xuất quan trọng khác để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp FDI, đó là cho phép áp dụng thủ tục thông quan nhanh đối với nguyên vật liệu, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất trong thời gian đang có dịch, các doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm.
Dựa trên kết quả hậu kiểm sau thông quan và công tác quản lý nhà nước sau này, trường hợp lợi dụng chính sách đặc biệt trong thời gian dịch bệnh sẽ bị xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các bộ ngành, địa phương nên dừng tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp FDI trong thời gian có dịch để doanh nghiệp tập trung sản xuất - kinh doanh, phục hồi hoạt động sau tác động của dịch bệnh, trừ trường hợp có nghi vấn hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đồng thời, xem xét, giải quyết các đề xuất xin giãn tiến độ thực hiện dự án do khó khăn dịch bệnh; kéo dài thời hạn nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới dự án đầu tư…