Holdings là mô hình phổ biến trong các công ty đa quốc gia. Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã học hỏi và đưa doanh nghiệp phát triển theo mô hình này để tối ưu hóa hoạt động, mà tiêu biểu là Hoàng Anh Gia Lai, Thế giới di động, Masan, hay mới đây nhất là SAM Holdings.
Theo nhiều chuyên gia, mô hình holdings sẽ giúp doanh nghiệp các lợi ích về thuế, các vấn đề liên quan đến nhân sự, đòn bẩy tài chính, kiểm soát vốn sở hữu, cơ hội tiếp cận các nguồn vốn quốc tế, quá trình M&A các công ty trong tập đoàn trở nên đơn giản và dễ thực hiện hơn.
Ông Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn quốc tế Mỹ là người chơi ở vị trí CEO. |
Tuy nhiên, việc xây dựng các hệ quản trị về tài chính, kinh doanh để doanh nghiệp mẹ có thể quản lý các công ty con luôn là thách thức không nhỏ.
Giống như tình huống mà Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - mô hình holdings” đề cập trong số phát sóng ngày 26/11 vừa qua, chương trình đã bàn về câu chuyện tại một doanh nghiệp gia đình kinh doanh thành công trong nhiều mảng khác nhau, bao gồm sản xuất nông nghiệp, tinh chế sản phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi. Doanh nghiệp này đang tính toán phương án để tiếp tục mở rộng và phát triển.
Tuy nhiên, CEO và bộ máy điều hành bắt đầu nhận thấy những áp lực từ quy mô và tốc độ phát triển. Các công ty con hoạt động trong cùng một lĩnh vực hoặc nhiều lĩnh vực cũng gia tăng về số lượng và phạm vi hoạt động. Nhiều công ty và phòng ban chức năng có phản ánh về tính lạc hậu của các quy trình và công cụ quản lý, đồng thời báo cáo những kết quả hoạt động khác hẳn nhau dù hoạt động trong cùng một ngành. Các thành viên điều hành chủ chốt phải chạy đua để xử lý từng vụ việc, từng đơn vị một.
Qua tìm hiểu mô hình tổ chức kinh doanh của các tập đoàn lớn, CEO nhận thấy đã đến lúc cần chia tách công ty theo mô hình mẹ con theo các mảnh kinh doanh độc lập, đồng thời muốn tổ chức lại cơ cấu quản lý các cấp, quy trình quản trị. CEO cho rằng, mô hình mới sẽ giúp công ty phân tán rủi ro, cân đối được các nguồn lực để tập trung vào các lĩnh vực ngành nghề cốt lõi, đồng thời hoạt động minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.
Kế hoạch của CEO đã vấp phải sự phản đối của HĐQT. Các thành viên HĐQT cho rằng, mô hình hiện tại đang phù hợp và giúp doanh nghiệp phát huy hết các lợi thế. Điều cần làm là tiến hành tinh chỉnh, cấu trúc lại dựa trên khung hiện tại để hiệu quả hơn.
Trong phiên tranh luận đầu tiên giữa người chơi là ông Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn quốc tế Mỹ với 2 cổ đông, cuộc tranh luận đi đến “bất phân thắng bại” bởi những lý lẽ thuyết phục mà mỗi bên đưa ra.
Sau khi chương trình được phát sóng, rất nhiều khán giả đã bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch của CEO trên Fanpage CEO - Chìa khóa thành công. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến đồng tình với các cổ đông. Bạn Quyên Phạm cho rằng: “Việc thay đổi cấu trúc doanh nghiệp rất quan trọng, nếu không kiểm soát tốt, quá trình này có thể làm hỏng cả mô hình cũ lẫn holdings”.
Để tìm ra giải pháp phù hợp thuyết phục các cổ đông, CEO đã phải tìm đến sự tư vấn của 2 chuyên gia là ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng, Chủ tịch Công ty giầy BQ và ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc của PwC Việt Nam. Những lời khuyên của chuyên gia chắc chắn sẽ là những gợi ý thú vị cho các doanh nghiệp đang có kế hoạch xây dựng doanh nghiệp theo mô hình holdings.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Novaland, PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC).