Tọa đàm của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội diễn ra theo hình thức trực tuyến |
Ông Nguyễn Phúc Long, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (Hanoi BA) cho rằng, việc lựa chọn chủ đề về các kênh huy động vốn cho cuộc thảo luận thường kỳ của Hội là để chuẩn bị cho sự trở lại của các doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Mặc dù các doanh nghiệp đều nhắc đến khó khăn trong kinh doanh, nhất là khi phần lớn các doanh nghiệp hội viên Hanoi BA có quy mô nhỏ, dễ bị tổn thương, song việc tìm kiếm kênh huy động vốn vẫn thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
“Lúc khó khăn này là lúc doanh nghiệp cần đánh giá nghiêm túc năng lực, sức khỏe của mình để có kế hoạch cho các bước phát triển tiếp theo”, ông Long chia sẻ. Ông Long đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn HNX từ năm 2010, với mã chứng khoán TIG.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa quan tâm nhiều đến quản trị kinh doanh, nhất là các nguyên tắc về kế toán, công bố thông tin. Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn lo ngại bị thâu tóm nếu trở thành doanh nghiệp đại chúng. Ông Lưu Xuân Vĩnh, Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Asia Legal cho biết, đây là lý do nhiều doanh nghiệp bỏ qua cơ hội làm việc với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội M&A trong giai đoạn vừa qua.
Điểm đặc biệt là nhiều doanh nghiệp đang quan tâm đến các điều kiện trở thành công ty đại chung, tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán, bên cạnh việc hoàn thiện các điều kiện để dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Các câu hỏi về điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Đây là điều mà ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy hào hứng. “Khi doanh nghiệp quan tâm đến các nền tảng kinh doanh cơ bản, chuẩn mực kinh doanh theo thông lệ quốc tế nghĩa là doanh nghiệp đã nhắm tới sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai”, ông Như chia sẻ.
Sau Tọa đàm, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch là việc với các công ty tư vấn, luật sư để bàn về các chiến lược phát triển riêng cho mình.
Đặc biệt, nhân dịp này, Hanoi BA đã ra mắt Tiểu ban hỗ trợ tư vấn pháp lý và gọi vốn. Mục tiêu là hỗ trợ các hội viên thực hiện tái cơ cấu, hoàn thiện các điều kiện để tham gia thị trường M&A, cải thiện năng lực để đủ điều kiện tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ông Lưu Xuân Vĩnh, Luật sư điều hành công ty Luật TNHH Asia Legal là Trưởng tiểu ban, cùng với 8 hội viên có chuyên môn trong lĩnh vực này. Dự kiến, Tiểu ban sẽ kêu gọi sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, M&A, tái cơ cấu doanh nghiệp... để hỗ trợ hội viên thiết thực.
Về vấn đề này, ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch Hanoi BA cho biết, Hội cũng đang thảo luận, tìm cơ hội để hình thành quỹ đầu tư với mong muốn có nguồn lực hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp hội viên. Quỹ này sẽ kêu gọi sự tham gia của các hội viên và các doanh nghiệp bên ngoài.
“Tuy nhiên, đây vẫn là kế hoạch. Chúng tôi sẽ phải bàn bạc để có phương thức vận hành, quản lý hiệu quả”, ông Nam nói. Các hoạt động hỗ trợ hội viên chuyên sâu của Hanoi BA đang được xác định là một trong những nội dung chính của nhiệm kỳ 2021-2014 vừa được bắt đầu vào đầu tháng 6/2021.