Ông Trần Tấn Trung, Giám đốc Công ty Liên Á, đơn vị phân phối xe Audi chính hãng nhập khẩu từ Đức cho biết như vậy. Không chỉ là Audi, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp ô tô nhập khẩu khác, chủ yếu là ô tô hạng sang, các quy định mới về đăng kiểm ô tô đang làm khó các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, dù đây đều là doanh nghiệp được ủy quyền của chính hãng.
Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô than quy định mới về đăng kiểm ô tô đang làm khó doanh nghiệp |
Cụ thể, trước đây, chỉ cần giấy chứng nhận của chính hãng là cơ quan hữu trách đã cho phép nhà nhập khẩu thông quan xe, nhưng nay lại yêu cầu phải có giấy chứng nhận chủng loại, kiểu loại xe do đăng kiểm cấp.
Trong khi đó, các trạm đăng kiểm ở Việt Nam chưa đủ thiết bị chuyên dùng để thử nghiệm các yêu cầu đăng kiểm cho các nhãn hiệu xe sang. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, kéo dài thời gian chờ đợi, gia tăng chi phí.
Thậm chí, có những siêu xe có giá trị cao, được phép mang về bảo quản tại doanh nghiệp, nhưng dài cổ chờ nửa năm vẫn chưa xong thủ tục đăng kiểm để có giấy tờ xe, xác định được giá bán xe. “Mỗi lần đi đăng kiểm, doanh nghiệp phải thuê xe chở đi và phải tránh để không bị xước xát. Tốn kém vô chừng, mà không phải chỉ đi một lần là xong”, nhân viên của hãng xe sang nọ cho hay.
Có doanh nghiệp nhập khẩu xe sang còn cho biết, tuy cho phép nhập xe ô tô nguyên chiếc về 5 cửa khẩu cảng biển quốc tế, nhưng cả nước chỉ có một điểm là Hà Nội có thể kiểm định một số yêu cầu theo quy định, nên xe lại phải gửi ra Hà Nội, khiến doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn.
Mang những phàn nàn trên sang Cục Đăng kiểm Việt Nam, phóng viên Báo Đầu tư đã nhận được những thông tin phản hồi nhanh chóng. Theo đó, việc doanh nghiệp nhập khẩu phải chuyển mẫu xe về khu vực Hà Nội để thực hiện việc kiểm tra chỉ xảy ra đối với một số mẫu xe mới, chưa qua sử dụng, bắt buộc phải kiểm tra thử nghiệm an toàn và khí thải theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo các chuyên gia của Phòng Xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), rất nhiều xe tuy mang các nhãn hiệu xe sang, xe cao cấp nổi tiếng, nhưng thực tế là xe được đặt riêng cho thị trường Việt Nam, nên không thể xuất trình được các chứng nhận của cơ quan chức năng ở nước sở cho loại xe này khi nhập khẩu. Vì vậy, theo quy định, phải tiến hành thử nghiệm để được cấp giấy chứng nhận mới đủ điều kiện để cấp đăng kiểm, thông quan.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ năm 2013 đến hết tháng 6/2014, chỉ có 1.515 xe mẫu loại này (chiếm 1,3% trong tổng số xe phải kiểm tra) phải đưa về Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để thử nghiệm an toàn và khí thải. Trong các trường hợp này, tuy thời gian thực hiện việc thử nghiệm theo quy định là ngắn (10 ngày), nhưng có những trường hợp bị kéo dài do tổ chức, cá nhân nhập khẩu không xuất trình phương tiện kịp thời để kiểm tra thử nghiệm theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra.
Bên cạnh đó, có đơn vị dù đã được hướng dẫn trực tiếp, nhưng vẫn chậm trễ bổ sung tài liệu kỹ thuật làm căn cứ để kiểm tra, thử nghiệm, thậm chí kéo dài thời gian khắc phục để kiểm tra thử nghiệm lại. Tỷ lệ doanh nghiệp phải khai lại hồ sơ lần 2 đúng theo quy định chiếm 80% tổng số bộ hồ sơ liên quan, có doanh nghiệp khai lần thứ tư vẫn thiếu sót.
Theo các cán bộ đăng kiểm, nhiều doanh nghiệp tuy đã làm xuất, nhập khẩu nhiều năm, nhưng lại không chú ý quy định và thiếu hiểu biết về kỹ thuật xe, nên mất nhiều thời gian đăng kiểm. “Nếu doanh nghiệp nhập khẩu phối hợp với nhà sản xuất ở nước ngoài để chuẩn bị hồ sơ theo quy định của Việt Nam và khai trước thì khi xe về sẽ rất nhanh”, vị này nói.
Thanh Hương