Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú |
Tại Tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" do báo Tuổi trẻ tổ chức sáng nay (30/3), nhiều doanh nghiệp cho rằng, lãi suất hiện quá cao và điều kiện vay vốn khó khăn khiến doanh nghiệp dù thiếu vốn, vẫn không dám vay.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho hay, khảo sát của HUBA cho thấy các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm, dẫn đến tăng trưởng thấp kỷ lục. Ngành dệt may tăng trưởng giảm, ngành thủy sản xuất khẩu giảm 30%; ngành gỗ giảm 40%, bất động sản “đóng băng”... kéo theo hệ lụy các lĩnh vực sắt thép, xi măng cũng đóng băng tới 90%, hoạt động kinh doanh dường như khựng lại…
Các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì hoạt động trong bối cảnh cầu giảm, nên không có nhu cầu vay để sản xuất kinh doanh mà có nhu cầu vay để cầm cự.
“Các ngân hàng cần có chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần dòng vốn cho đầu tư dài hạn, nhưng với lãi suất trên 10% thì không có doanh nghiệp nào dám vay chứ không phải ngân hàng không cho vay”, ông Hòa cho hay.
Do đó, cần có chính sách sâu hơn cho dòng vốn dài hạn. Cần có giải pháp kéo lãi suất xuống dưới 10% thì doanh nghiệp mới dám vay. Bên cạnh đó, cần phải tính lại thế chấp tài sản, định giá tài sản. Cần có sự chia sẻ, kéo giảm lãi suất, phải “mềm hóa” việc thế chấp, định giá tài sản. Hiện doanh nghiệp có đất đai nhưng thủ tục pháp lý kéo dài nên cũng khó thế chấp.
Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM Phạm Văn Việt cho biết thêm, các thị trường xuất khẩu giảm mạnh, toàn ngành dệt may giảm hơn 19% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có các cơ chế để xử lý thì nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy.
Hiện nay, các doanh nghiệp cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động, đồng thời cũng cần nguồn vốn đề đầu tư và tái cấu trúc. Trong khi đó, nếu ngành dệt may không chuyển đổi số, chuyển đổi sang 4.0 thì 2-3 năm nữa sẽ tụt hậu, đi sau các nước.
“Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp linh hoạt như giữ nguyên nhóm nợ, tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay...”, ông Việt đề xuất.
Trước đề nghị của các doanh nghiệp, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chính sách lãi suất là chính sách khó nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó phải nền kinh tế phát triển, hài hoà nhà đầu tư, doanh nghiệp, phù hợp với nhiều lĩnh vực…
Mặc dù hiện nay nhiều nước trên thế giới vẫn tăng lãi suất, nhưng NHNN Việt Nam vẫn giảm lãi suất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
"Thông điệp của NHNN là giảm lãi suất, sắp tới sẽ vận động các ngân hàng giảm lãi suất tiếp một lần nữa", ông Tú nói.
Phó Thống đốc cũng cho rằng, việc giãn/hoãn nợ cho doanh nghiệp là việc cần thiết, sắp tới sẽ triển khai. Tuy nhiên, việc giãn/hoãn nợ phải phù thuộc vào ngành nghề, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu, hay dẫn đến thiếu sự ổn định an toàn về tín dụng.