Điểm nóng
Doanh nghiệp khóc ròng trong vòng xoáy thủ tục - Bài 2: Kẹt trong “nút thắt” quy hoạch
Nhóm phóng viên - 01/07/2024 09:54
Là một trong những dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh Quảng Trị, nhưng Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I chưa thể “lăn bánh” như kỳ vọng, do phải chờ các thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan.
Hàng loạt dự án ở miền Trung “đứng hình” vì nhiều lý do, phổ biến là vướng điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu, hình thức sử dụng đất và xác định giá đất… Thời gian thực hiện các thủ tục này phức tạp và kéo dài, không chỉ khiến doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính, mà còn gây “hao mòn” niềm tin với chính quyền sở tại.

 Bài 2: Kẹt trong “nút thắt” quy hoạch

Là một trong những dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh Quảng Trị, nhưng Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I chưa thể “lăn bánh” như kỳ vọng, do phải chờ các thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan.

“Nút thắt” lớn nhất

Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, do liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước, gồm Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (T&T), Công ty Năng lượng Hanwha (HEC), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), thực hiện.

Với tổng vốn đầu tư 53.667,77 tỷ đồng (2,32 tỷ USD), nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, sử dụng diện tích mặt đất 120,36 ha và diện tích mặt biển 100 ha, Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I sẽ xây dựng Kho cảng LNG Hải Lăng có khả năng tiếp nhận tàu chở khí hóa lỏng từ 170.000 đến 226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn khí hóa lỏng/năm và Nhà máy Điện LNG Hải Lăng, công suất phát điện 1.500 MW.

Khu vực thực hiện Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I.

Theo kế hoạch, Dự án khởi công vào quý I/2024; hoàn thành đưa Tổ máy số 1 vào hoạt động từ quý II/2027; hoàn thành đưa Tổ máy số 2 vào hoạt động từ quý IV/2027. Tuy nhiên, đến nay, Dự án vẫn chưa thể triển khai vì rất nhiều thủ tục liên quan chưa hoàn thiện.

Trong đó, “nút thắt” lớn nhất là phải điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị giai đoạn I sau khi nhà đầu tư xin điều chỉnh phương án bố trí tổng mặt bằng Dự án để phù hợp với quy mô công suất 1.500 MW đã được phê duyệt tại Quy hoạch Điện VIII.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, liên danh nhà đầu tư/tư vấn đã đề xuất điều chỉnh giảm diện tích mặt đất sử dụng của Dự án từ 120,36 ha xuống còn 54,93 ha; tăng diện tích mặt nước từ 100 ha lên 130 ha.

Ngày 24/5/2024, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến với 15 địa phương, chủ đầu tư về các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước và khí tự nhiên hóa lỏng(LNG) nằm trong danh mục các dự án trọng điểm đầu tư của Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII.

 Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, các dự án điện khí trong Quy hoạch Điện VIII là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng, không chỉ bảo đảm đủ tổng nguồn trong Quy hoạch, mà còn là nguồn điện nền để huy động, khai thác nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời. Chính vì vậy, trong thẩm quyền của Bộ Công thương, Bộ sẽ nỗ lực giải quyết vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét tháo gỡ khó khăn, với quyết tâm cao nhất là đảm bảo tiến độ các dự án.

Chiếu theo Điều 41, Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 37, Luật Xây dựng năm 2014, quy mô diện tích đất sử dụng của Dự án theo đề xuất mới thay đổi trên 10% tổng diện tích. Điều này làm thay đổi tính chất, chức năng, quy mô Dự án đã được phê duyệt tại Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 tại Quyết định số 01/QĐ-UBND, ngày 5/1/2022 của UBND huyện Hải Lăng. Theo đó, phải thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I.

Cũng theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, ngày 5/3/2024, Ban Quản lý đã nhận được tờ trình của liên danh nhà đầu tư (T&T, HEC, KOGAS, KOSPO) về việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I. Tuy nhiên, để phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I, thì điều kiện bắt buộc là phải có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Trong khi đó, theo các quy định liên quan, cơ sở để cơ quan chức năng tiến hành phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Dự án là phải điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) giai đoạn I. Việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu chỉ được thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

“Đến nay, việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị giai đoạn I chưa được phê duyệt, nên tỉnh Quảng Trị chưa có đủ cơ sở để xem xét thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I theo quy định của pháp luật về đầu tư”, ông Trương Khắc Nghi, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị giải thích.

Đề cập việc Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I bị kéo dài thời gian thực hiện, ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Quảng Trị cũng cho biết, mặc dù chỉ điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhưng các thủ tục phải trình lại cũng gần giống thủ tục cấp chủ trương đầu tư mới.

Xin cơ chế để thực hiện song song điều chỉnh 2 quy hoạch

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư, ngày 22/3/2024, Ban đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cập nhật nội dung điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng vào điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trong quá trình lập hồ sơ điều chỉnh.

Ngày 4/6, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương điều chỉnh cục bộ song song với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để thực hiện Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I.

Nhà đầu tư đã hoàn thiện các hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Dự án đầu tư, hồ sơ nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 và trình Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị. Thế nhưng, Ban Quản lý cũng gặp vướng mắc, đó là các nội dung thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư phải phù hợp với Quy hoạch phân khu Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Bởi vậy, các thủ tục thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư đang phải “treo” lại.

- Ông Nguyễn Anh Ngọc, đại diện liên danh nhà đầu tư (T&T, HEC, KOGAS, KOSPO)   

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, việc liên danh nhà đầu tư (T&T, HEC, KOGAS, KOSPO) đề xuất điều chỉnh phương án bố trí tổng mặt bằng Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 184,93 ha là nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, tiết kiệm diện tích đất; tối thiểu hoá các hạng mục dùng chung, giảm chi phí đầu tư, vận hành và bảo dưỡng; giảm thiểu chi phí đền bù giải phóng mặt bằng; thuận lợi khi đàm phán Hợp đồng Mua bán điện (PPA), phù hợp với tình hình thực tế triển khai Dự án và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Tuy nhiên, đề xuất điều chỉnh Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I có một số nội dung chưa phù hợp với giải pháp bố trí tổ chức không gian Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch chung) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/10/2016 và Quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị giai đoạn I (Quy hoạch phân khu) được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt ngày 15/8/2017.

Cụ thể, dây chuyền công nghệ của Dự án hoạt động theo mô hình chuỗi khép kín (nhập khẩu LNG - tồn chứa LNG - tái hóa khí - vận hành nhà máy điện khí) có chức năng sử dụng đất là công trình năng lượng. Trong khi đó, giải pháp tổ chức không gian, bố trí các khu vực dây chuyền công nghệ theo điều chỉnh phương án bố trí tổng mặt bằng có sự thay đổi về vị trí so với quy định tại Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu, khi toàn bộ dây chuyền công nghệ của Dự án nằm trong khu vực được quy hoạch là kho dầu và kho khí của Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

“UBND tỉnh Quảng Trị đang tổ chức lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đến năm 2045 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 238/QĐ-TTg ngày 20/3/2024, thời gian hoàn thành việc lập quy hoạch là 12 tháng”, ông Hưng cho biết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I, UBND tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương cho phép tỉnh tổ chức lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tại vị trí dự kiến thực hiện Dự án song song với việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nhằm làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Do Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I chưa được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư (vì phải chờ Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được phê duyệt), nên các thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, giao khu vực biển, thuê đất, giải phóng mặt bằng… của Dự án cũng chưa thể thực hiện.

“Việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến các thủ tục khác của Dự án”, ông Nguyễn Anh Ngọc, đại diện liên danh nhà đầu tư (T&T, HEC, KOGAS, KOSPO) bày tỏ lo lắng.

Liên quan vấn đề này, ông Trương Khắc Nghi cho biết thêm: “Đối với việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, giao khu vực biển, thuê đất, sau khi hoàn thành việc phê duyệt điều chỉnh Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn I, liên danh nhà đầu tư sẽ đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2023 - 2025 của huyện Hải Lăng để có cơ sở triển khai các công việc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng”.

(Còn tiếp)

Tin liên quan
Tin khác