Ủy ban Thường Vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán 2. |
Cũng liên quan đến khối doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong quá trình làm Luật, một số ý kiến đề xuất cần có điều khoản riêng quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo điều kiện cho khối DN này huy động vốn để phát triển.
Cũng có ý kiến đề nghị không quy định trong Luật để bảo đảm công bằng với các hàng hóa khác trên thị trường và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Cũng có ý kiến đề nghị quy định khái niệm, phạm vi, quy mô của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Luật Chứng khoán, để tránh trùng lặp với quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Sau quá trình thẩm định, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiêng về quan điểm không quy định nội dung này tại dự thảo Luật Chứng khoán.
Lý do chủ yếu là khối DN khởi nghiệp sáng tạo với mức vốn thấp, rủi ro cao; trường hợp cho phép chào bán chứng khoán ra công chúng trên TTCK sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị trường và không bảo đảm tính bình đẳng đối với các thành viên thị trường khác.
Trường hợp các DN khởi nghiệp, sáng tạo cần huy động vốn, Luật Doanh nghiệp đã có quy định cụ thể đối với chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty không phải là công ty đại chúng. Đồng thời, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong đó đã có những cơ chế hỗ trợ vốn và đầu tư cho các doanh nghiệp này thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây là những lý do khiến Ủy ban Kinh tế cũng như hầu hết các ý kiến tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, Luật Chứng khoán sẽ chưa mở ra không gian pháp lý cho khối DN khởi nghiệp, sáng tạo gọi vốn.
Một nội dung quan trọng khác được thống nhất tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là quan điểm giữ nguyên địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là Cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng sẽ tăng thẩm quyền cho cơ quan này. Cùng với đó, các đại biểu thống nhất việc Việt Nam sẽ chỉ có 1 Sở Giao dịch chứng khoán, chứ không tổ chức dưới dạng 2 Sở như hiện nay, hay theo mô hình 3 Sở (2 Sở hiện có và 1 Sở GDCK Việt Nam tổ chức theo mô hình công ty mẹ). Tuy nhiên, Sở GDCK duy nhất của Việt Nam tới đây sẽ đặt tại đâu thì còn những ý kiến trái chiều. Chốt lại, Phó chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển kết luận, Sở sẽ đặt tại Trung tâm tài chính quốc gia và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung cần quy định rõ điểm này.