Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Chí Cường |
Ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) có thể là người nhàn nhã tại VBF 2015.
Theo lịch trình, Nhóm này sẽ phát biểu đầu tiên sau phần tổng quan môi trường kinh doanh. Chủ đề mà nhóm này theo đuổi trong vài kỳ họp gần đây là môi trường đầu tư - kinh doanh, cụ thể là việc thực thi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Với việc toàn bộ nghị định hướng dẫn thi hành hai luật trên đã được hoàn tất, dù phải mất tới 5 tháng sau thời điểm các luật có hiệu lực, nhiều câu hỏi của Nhóm đưa ra 6 tháng trước tại VBF giữa kỳ 2015 đã được trả lời, nghĩa là Trưởng nhóm Fred Burke chắc sẽ không mất quá nhiều thời gian cho phần việc này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn trước thềm VBF, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đơn vị trực tiếp chắp bút các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư cũng tin rằng, sự rõ ràng, đơn giản trong các quy định về hồ sơ, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đặc biệt là cơ chế một đầu mối trong giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, có hiệu lực vào ngày 27/12 tới, sẽ giải tỏa nhiều phân vân của các nhà đầu tư nước ngoài về vấn đề này.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Fred Burke… thất nghiệp tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ được chờ đợi nhất trong năm này, bởi đề nghị được quan tâm nhất từ 6 tháng trước của Nhóm công tác là danh mục điều kiện kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa được thực hiện. Như vậy, lo ngại việc thực thi lúng túng và không thống nhất, thậm chí là tùy nghi ở các địa phương, gây khó khăn cho các nhà đầu tư vẫn còn nguyên.
Nếu nhìn xa hơn, 6 tháng tới, khi 3.299 điều kiện kinh doanh sẽ đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016 theo quy định tại Nghị quyết số 59/NQ-CP (ngày 7/8/2015) về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, những băn khoăn trong thực thi quy định, đặc biệt là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương lại nổi lên. Khi đó, không chỉ nhà đầu tư không dám chắc những gì mình được làm, mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng đối mặt với nhiều rối rắm nếu không có sự chuẩn bị, đặc biệt là phối hợp để thực hiện ngay từ bây giờ.
Đáng tiếc, đây là lo lắng lớn và thường xuyên nhất của giới đầu tư - kinh doanh khi trao đổi về những nút thắt của môi trường đầu tư Việt Nam. Trong Diễn đàn nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản về cơ hội đối tác để Việt Nam tham gia thành công vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa diễn ra, ông Toshiro Nishizawa, Trường Chính sách công (Đại học Tokyo, Nhật Bản) khẳng định, Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu nhờ AEC, TPP…, song cũng không quên đặt lại câu hỏi về tính hiện thực của các quy định.
“Việc có được cam kết của Chính phủ trong hội nhập quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư là tốt, nhưng nếu một vài năm, giới đầu tư không nhìn thấy việc thực hiện đúng thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin”, ông Toshiro Nishizawa nói.
Đây cũng là vấn đề mà Nhóm công tác của ông Fred Burke đã đưa ra không ít lần, nhằm đảm bảo thực hiện những cải cách quan trọng của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Có lẽ phải nhắc lại khuyến nghị của Nhóm công tác đầu tư và thương mại khi chuyển những câu hỏi về việc thực thi hai luật này tới Chính phủ 6 tháng trước, đó là, nhà đầu tư muốn biết: họ cần phải làm gì, như thế nào, ở đâu khi quyết định đổ tiền vào Việt Nam?.