Có khoảng 300 kiến nghị đã được gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Toàn bố số kiến nghị này đã được tập hợp thành 8 nhóm kiến nghị lớn.
Trong đó, về chính sách tài khóa, doanh nghiệp muốn đề nghị thực hiện phương châm khoan sức cho doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm trước mắt.
Doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các kiến nghị nhằm khoan sức cho doanh nghiệp |
“Theo phương châm này, đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội rút ngắn lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% với doanh nghiệp lớn và 18% với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Vũ Tiến Lộc báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng tham gia Hội nghị.
Đề nghị xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho một số ngành hàng cũng được nhắc tới như một trong những giải pháp khoan sức doanh nghiệp.
Đặc biệt, ông Lộc cho biết, doanh nghiệp đang phải chịu gánh nặng lớn khi nhiều loại phí, lệ phí xuất hiện. Chính vì vậy, mặc dù nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp có giảm bớt nhưng các loại phí, lệ phí và các khoản đóng góp lại tăng cộng thêm tình trạng tận thu của cơ quan thuế đã làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đề nghị rà soát, bãi bỏ các loại phí không còn phù hợp, chuyển một số loại phí thực hiện theo chế độ giá dịch vụ, chấn chỉnh hoạt động thu phí và lệ phí trái quy định, giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Tiến tới xây dựng Luật phí và lệ phí thống nhất.
Mặt khác, cũng theo phản ánh của các doanh nghiệp, để được hưởng các khoản ưu đãi về thuế, doanh nghiệp phải vượt qua các thủ tục và điều kiện rất phức tạp cho nên khó thực thi.Nhiều khi ưu đãi trở thành xa vời.
Về chính sách tiền tệ, doanh nghiệp đề nghị cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp. Lãi suất đã xuống tương đối thấp nhưng do chưa xử lý được vấn đề nợ xấu và điều kiện cho vay còn ngặt nghèo, nên nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được vốn ngân hàng và nhất là không thể tiếp cận được với mức lãi suất quy định vì phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình hoạt động của doanh nghiệp sẽ còn khó khăn, thể hiện ở một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô còn khá bấp bênh. thị trường trong nước phát triển chậm, nguy cơ mất thị phần gia tăng. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 20/3 ước chỉ tăng 0.61% so với tháng trước và giảm 0,57% so với tháng 12/2013.
Trong khi đó, đội thuyền thúng - doanh nghiệp Việt Nam với 66-67% là doanh nghiệp siêu nhỏ, có dưới 10 lao động, đang khó khăn trong việc khai thác cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái bình Dương (TPP).
Khánh An