Chi phí vận chuyển tăng cao, có lĩnh vực tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2023 đang làm khó doanh nghiệp. Trong ảnh: Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH Đông Dương (Hà Nội). |
Không còn lời lãi vì chi phí tăng cao
“Giá chè xuất khẩu bình quân chỉ khoảng 1,7 USD/kg, nhưng chi phí vận chuyển đang lên rất cao, có doanh nghiệp nói chi phí vận chuyển tăng 50-70% so với cùng kỳ năm 2023, nên lời lãi không còn gì”.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam báo cáo tình hình doanh nghiệp ngành chè với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong cuộc giao ban của Bộ với các hiệp hội doanh nghiệp quý II/2024.
Trong báo cáo của nhiều hiệp hội, chi phí vận tải biển đang được ghi nhận tăng trở lại. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chi phí tăng cao không chỉ ở giá.
“Doanh nghiệp trong ngành chủ yếu hoạt động xuất khẩu, mỗi năm sử dụng hơn 1 triệu container, nhưng hiện tại, đặt được container rất khó. Các hãng tàu lớn đang giảm chuyến, giảm tàu, nên chi phí logistics bị đẩy lên rất cao, nhất là khi các doanh nghiệp Việt hay bán FOB”, ông Nam chia sẻ.
Với các doanh nghiệp nhôm, xung đột địa chính trị, lạm phát và biến động tỷ giá ở biên độ lớn của nhiều nền kinh tế, cùng hàng loạt chính sách trừng phạt thương mại đối với 2 quốc gia nhôm lớn nhất thế giới là Nga và Trung Quốc đã tác động rất tiêu cực.
Nguồn cung nhôm nguyên liệu thiếu hụt trầm trọng nhiều tháng qua, giá cả thị trường biến động mạnh; biên độ dao động giá nhôm nguyên liệu trên sàn giao dịch London (LME) 3 tháng qua đã lên đến 500 USD/tấn (tương đương 13.000 đồng/kg nhôm nguyên liệu)...
“Doanh nghiệp nhôm phải nhập khẩu nguyên liệu 100%, nên chịu tác động trực tiếp. Hiện nhu cầu nhôm công nghiệp và nhôm xây dựng trong nước giảm mạnh từ đầu năm 2024 đến nay, chưa có khả năng phục hồi”, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam cho biết.
Khó khăn hơn, theo ông Kế, các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Mỹ bị áp mức thuế chống bán phá giá sơ bộ hiện lên đến 41,84%, chỉ có một nhóm đơn vị tham gia quá trình điều tra vụ việc được giảm về mức 2,85%...
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân đối, giảm 2% thuế VAT cho tất cả các sản phẩm, hàng hóa, trong đó có nhôm, thời gian đến hết tháng 6/2025 để kích cầu thị trường tiêu dùng và phát huy hiệu quả chính sách”, ông Nguyễn Minh Kế kiến nghị tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng có mong muốn tương tự, khi kiến nghị mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế VAT 2%. Lý do, “doanh nghiệp đồ uống cũng rất khó, rất cần được hỗ trợ”.
Vẫn kêu hoàn thuế VAT
Những vấn đề trên chưa phải là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Vĩnh Long, doanh nghiệp của Hiệp hội Chè Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, vốn lưu động thiếu, nhưng lại bị đọng do chậm hoàn thuế VAT.
“Đặc điểm của ngành chè là đến mùa thì người nông dân phải hái, doanh nghiệp đặt mua thì phải trả tiền ngay, không thể nợ được. Vốn thì thiếu, nhưng lại bị Nhà nước nợ phần hoàn thuế. Có doanh nghiệp trong Hiệp hội phản ánh, đã bị chậm hoàn thuế cả năm nay”, ông Long cho biết.
Còn nhớ, năm ngoái, tình trạng chậm hoàn thuế VAT làm nóng nhiều phiên làm việc tại Quốc hội. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã nhắc lại bối cảnh này.
“Hiện tại, việc này vẫn rất khó khăn, khó đến mức nhiều doanh nghiệp quyết định di chuyển đến nơi có thủ tục hoàn thuế thuận lợi hơn, chứ ở Hà Nội hay TP.HCM đều rất khó”, ông Hoài chia sẻ về tình hình của doanh nghiệp ngành gỗ.
Cũng phải nói thêm, sản phẩm gỗ được liệt kê là loại sản phẩm rủi ro cao, các cơ quan thuế thực hiện truy suất đến tận nông dân trồng rừng, nên quy trình dài, mất nhiều thời gian, chỉ cần một khâu có rủi ro, thủ tục sẽ bị chậm.
“Nhưng 10% thuế VAT đang bị đọng do thủ tục hoàn thuế là rất quý trong lúc này, đề nghị các cơ quan giải quyết triệt để”, ông Hoài gửi kiến nghị tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hiệp hội Chè Việt Nam còn đề xuất giảm thuế VAT cho chè bán thành phẩm từ 10% xuống còn 5%. “Chúng tôi đã gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính, để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp, nhưng chưa được trả lời”, ông Long nói thêm.
Vốn đổ hết vào nhà xưởng
Sự trở lại của các đơn hàng xuất khẩu trong ngành điện tử không khiến doanh nghiệp bớt lo âu, nhất là những doanh nghiệp phía Nam.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, đang nhận được những phản ánh của nhóm doanh nghiệp khu vực phía Nam về việc tiền thuê mặt bằng đã tăng gấp 10 lần so với cách đây 2 năm.
“Cứ nói là doanh nghiệp Việt Nam yếu quá, nhưng vốn và chi phí của doanh nghiệp đang dồn hết cho thuê đất, vốn vay lại khó tiếp cận, vì không có tài sản thế chấp, thì làm sao cạnh tranh được”, bà Hương thẳng thắn.
Những khúc mắc về nhà xưởng cũng là vấn đề của một số doanh nghiệp ngành gỗ. Ông Ngô Sỹ Hoài nêu thực tế, nhiều nhà xưởng của các doanh nghiệp chế biến gỗ được xây dựng 20 - 30 năm trước, giờ nằm giữa các khu dân cư đông đúc, chính quyền địa phương yêu cầu di dời, nhưng chưa biết đi đâu. Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn nhận được yêu cầu phải đầu tư để thực hiện quy định mới về phòng cháy, chữa cháy.
“Nhà xưởng đã được đầu tư nhiều năm trước, có diện tích rộng, lên tới 2-3 ha, thậm chí hơn, nên việc đầu tư để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan phòng cháy, chữa cháy sẽ cần khoảng 15-20 tỷ đồng. Doanh nghiệp không phải không muốn đầu tư, nhưng không biết kế hoạch di dời của địa phương thế nào, trong khi không đầu tư thì không được hoạt động. Tình hình đang rất khó”, ông Hoài than thở.
Theo ý kiến của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp chỉ mong các cơ quan phối hợp với nhau, có thông tin để doanh nghiệp tính toán nên làm gì. Còn các doanh nghiệp đều xác định rõ, cần phải cải thiện năng lực vì bối cảnh cạnh tranh đang rất khác, đòi hỏi nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn mới.
Trong ngành gỗ, ông Hoài thông tin, các doanh nghiệp đang tính khả năng tận dụng xu hướng “friend shoring” (tạo nguồn cung thân hữu) liên kết với đối tác EU và khu vực Bắc Mỹ, Trung Mỹ để sản xuất đồ gỗ, xuất khẩu vào EU và Mỹ, tiết kiệm thời gian, chi phí vận tải, tránh được rủi ro, bất trắc gây đứt gãy chuỗi cung ứng...
“Chi phi tuân thủ pháp luật đang quá cao, rất cần Chính phủ có những quyết sách mang tính bước ngoặt, để tạo động lực mới và truyền lửa cho doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam bị soi kỹ hơn”, ông Ngô Sỹ Hoài gửi gắm tâm tư tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mong muốn các ý kiến sẽ được tập hợp, gửi tới Chính phủ.