Do dư cung lớn, nên đẩy mạnh xuất khẩu là nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Ảnh: Dũng Minh |
Góp nhặt đơn hàng
Lần đầu tiên, đơn hàng 20 tấn mía tươi của tỉnh Hòa Bình đã được Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tiến Ngân xuất khẩu thành công sang Mỹ. Chuyến hàng mía tươi xuất khẩu sang thị trường Mỹ có tổng khối lượng 17,3 tấn. Dù không phải đơn hàng có giá trị lớn, nhưng sự mở màn này hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội hơn cho mía và nhiều sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Để có lô hàng xuất khẩu thành công, ông Nguyễn Lê Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tiến Ngân tiết lộ, doanh nghiệp mất 6 tháng đàm phán, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của đối tác…
Đáng chú ý, đi cùng lô mía này, còn có 10 máy ép nước mía. Điều đó cho thấy, dù sản phẩm mới bắt đầu đi từ nơi sản xuất, nhưng đã định hình rõ về cách thức, phân khúc khách hàng tại nơi tiêu thụ.
Với thâm niên xuất khẩu hàng trăm tấn mía sang EU, Hàn Quốc và mới nhất là Mỹ, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tiến Ngân dự tính xuất khẩu 300-500 tấn mía trong năm nay, đồng thời củng cố thêm năng lực để tăng tốc xuất khẩu loại nông sản này trong thời gian tới.
Trước sự ảm đạm về đơn hàng xuất khẩu kéo dài từ cuối năm ngoái tới nay, vẫn lóe lên nhiều hy vọng đơn hàng sẽ trở lại khi sự bền bỉ, nỗ lực của doanh nghiệp được ghi nhận bằng những hợp đồng được “chốt” với các lô hàng được xuất đi thành công từ Hòa Bình, hay trước đó ít hôm là gần 20 tấn sầu riêng đầu tiên của Cần Thơ được xuất bán chính ngạch sang Trung Quốc.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Xi măng và Hàng hóa Hoa Sen (TP.HCM) đang thực hiện đơn hàng xuất khẩu 55.000 tấn xi măng sang thị trường Trung Mỹ. Tàu Ocean Outstanding của Hoa Sen nhận hàng từ Nhà máy Xi măng Thành Thắng (Hà Nam) và đang trên đường xuất qua các nước Trung Mỹ.
Sự kiện Xi măng Thành Thắng và Công ty cổ phần Xi măng và Hàng hóa Hoa Sen phối hợp xuất khẩu đơn hàng 55.000 tấn xi măng là một tín hiệu tích cực cho khả năng phục hồi của thị trường xuất khẩu tại khu vực Trung Mỹ trong năm nay.
Ngành xi măng xuất khẩu năm cao điểm tới 45 triệu tấn sản phẩm, nhưng 2/3 trong số này là clinker, với giá thấp và giá trị gia tăng thu về không lớn. Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho rằng, với nguồn dư cung lớn, ngành xi măng trước mắt vẫn phải duy trì xuất khẩu cả xi măng và clinker, nhưng trong tương lai, cần giảm xuất khẩu clinker và tăng sản lượng xi măng để thu được giá trị gia tăng và hiệu quả tốt hơn.
Năm 2022, công suất sản xuất toàn ngành xi măng đạt khoảng 108 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa chỉ đạt 63 triệu tấn, xuất khẩu gần 31 triệu tấn. Năm 2023, tình hình tiêu thụ còn khó khăn do nguồn cung lớn, nên các doanh nghiệp xi măng tiếp tục tìm kiếm khách hàng để tăng tiêu thụ qua kênh xuất khẩu để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Củng cố chuỗi cung ứng
Thực tế, Việt Nam đã bị ảnh hưởng không nhỏ từ thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, khi lần đầu tiên chứng kiến xuất khẩu sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, sự sụt giảm bắt nguồn từ suy thoái kinh tế ở Mỹ - điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Có thể thấy rõ điều này khi 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ giảm gần 20%, còn 13 tỷ USD, với nhiều ngành hàng chủ lực như máy tính, máy móc - thiết bị, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ đều giảm mạnh.
Tuy nhiên, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực kỳ vọng đơn hàng dần quay trở lại từ đầu quý II/2023, sau khi trải qua quý đầu năm sản xuất và xuất khẩu ảm đạm.
Đáng mừng là, dự báo về đơn hàng điện tử mới trên thế giới giảm mạnh từ nửa cuối năm 2022 sẽ tác động xấu đến sản xuất trong nước, nhưng thực tế, điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu trong 2 tháng qua vẫn có tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ, đạt 9,21 tỷ USD (tương ứng tăng 454 triệu USD). Đây là một trong số nhóm hàng xuất khẩu vẫn duy trì được tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước.
Dù thương mại chậm lại theo xu thế chung, nhưng vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng được khẳng định. Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với khoảng 60 nền kinh tế và đang tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu… Đó là nền tảng vững chắc để các nhà mua hàng nước ngoài tiếp tục lựa chọn để đặt hàng với Việt Nam.
Tận dụng vị thế là quốc gia xuất khẩu nhiều nhóm hàng lớn và có tăng trưởng khá trong năm 2022, nhất là với nhóm hàng nông nghiệp, chú trọng vấn đề an ninh lương thực, sự ổn định của chuỗi cung ứng từ Việt Nam, các mặt hàng được cho là lợi thế của Việt Nam là nông sản, cà phê, tôm, cá tra…
Dẫu vậy, các chuyên gia thương mại khuyến cáo các nhà xuất khẩu trong nước rằng, xu hướng phi toàn cầu hóa đang làm khó cho xuất khẩu, bởi chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, phòng vệ thương mại diễn ra ngày một nhiều hơn.
“Việc các nước phát triển ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu… sẽ là cơ sở để họ dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu…, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ, nếu không sẽ khó giữ được đơn hàng”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) lưu ý.