Đây là khuyến nghị được ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam chia sẻ tại Khóa học căn bản về chuyển đổi số diễn ra sáng 15/4 tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (D25 Tôn Thất Thuyết), do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.
Trao đổi với các doanh nghiệp tham gia khóa học, ông Nguyễn Việt Long cho biết, chuyển đổi số trong doanh nghệp là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý của daonh nghiệp và tạo ra các giá trị mới. Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm từ số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự đông hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.
Theo ông Long, sự phát triển đột phá về công nghệ số đã cho phép cung cấp đa dạng các giải pháp cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Dẫn chứng, ông Long cho biết, một chatbot dựa trên trí tuệ nhân tạo trong thương mại điện tử có thể phục vụ 3,5 triệu người/ngày, thay thiết bị không người lái có thể thu thập và phân tích hình ảnh độ phân giải cao cho công tác thăm dò dầu khí chỉ trong vòng 5 ngày, trong khi trước đây phải mất 8 tuần theo cách truyền thống…
Khóa học căn bản về chuyển đổi số thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp |
Theo dự báo, khoảng 800 triệu việc làm sẽ mất đi do tự động hóa vào năm 2030, nhưng mới chỉ có khoảng 10.000 nhân viên trên toàn thế giới có đủ kỹ năng cho nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Theo phân tích từ BBC, 35% việc làm sẽđối mặt với rủi ro là được robot thay thế trong 20 năm tới.
Do đó, ông Long cho rằng, chuyển đổi số cần được xem là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của doanh nghiệp.
Gợi mở về xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ông Long cho rằng, ở giai đoạn chuẩn bị, cần xác định mục tiêu chiến lược và tầm nhìn chuyển đổi số, xây dựng chiến lược chuyển đổi số tích hợp vào chiến lược chung của doanh nghiệp dựa trên đánh giá mức độ sẵn sàng và mục tiêu của doanh nghiệp, đồng thời xác định kiến trúc tổng thể của doanh nghiệp.
Giai đoạn 1 là chuyển đổi số mô hình kinh doanh, trong đó trọng tâm là áp dụng công nghệ số để mở rộng hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, cũng cần từng bước triển khai công nghệ số cho chuỗi cung ứng, áp dụng công nghệ số cho nghiệp vụ kế toán, tài chính…, xây dựng chính sách bảo mật.
Giai đoạn 2 là hoàn thiện và chuyển đổi số mô hình quản trị, trong đó tập trung vào việc tối ưu, nâng cao năng lực quản trị, trọng tâm là hệ thống ERP, HRM, hệ thống kế hoạch, quản trị công việc, báo cáo…
Giai đoạn 3 là kết nối kinh doanh và quản trị, đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Đánh giá các giải pháp, nhà cung cấp giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số, Phó Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp có thể ưu tiên tìm hiểu và sử dụng trước các giải pháp trong nước, đqặc biệt là các giải pháp phụ trợ, vừa và nhỏ, các giải pháp có các quy định quản lý của nhà nước.
Trong khi đó, với các giải pháp của nhà cung cấp nước ngoài, ông Long cho rằng, các giải pháp này có thiết kế tối ưu, hiệu năng tốt, có khả năng mở rộng, nhưng tính năng đôi khi chưa sát với thị trường, chi phí cao, đi kèm với dịch vụ hỗ trợ sẽ chậm hơn các giải pháp của nhà cung cấp trong nước.
Do đó, nên lựa chọn các giải pháp đã có đối tác triển khai tại Việt Nam để có hỗ trợ tốt hơn, đồng thời tận dụng các giải pháp mã nguồn mở để giảm chi phí.