Nhiều năm nay, doanh nghiệp logistics Việt vẫn đang “lép vế” so với các doanh nghiệp ngoại. |
Nhu cầu kho bãi đang tăng lên
Công ty khởi nghiệp EcoTruck (được thành lập năm 2017), đã nhận được 2 triệu USD từ Quỹ STIC Ventures của Hàn Quốc vào tháng 5 năm nay. Khoản đầu tư này sẽ được sử dụng để mở rộng hoạt động sử dụng các dịch vụ công nghệ sinh thái và mở rộng danh mục đầu tư. EcoTruck đang có hơn 300 đối tác với 9.000 xe, phục vụ khoảng 500 khách hàng trong và ngoài nước.
Cũng trong tháng 5/2021, Công ty Emergent Việt Nam Logistics Development Pte của Singapore được cấp phép để phát triển Trung tâm logistics trị giá 34,4 triệu USD tại tỉnh Bình Dương. Khi hoàn thành, dự án này sẽ cung cấp các dịch vụ hậu cần, lưu trữ và kho bãi, cho thuê nhà kho, nhà xưởng.
Một công ty cũng đến từ Singapore là Frasers Property Việt Nam vừa công bố dự án phát triển Khu công nghiệp BDIP (Binh Duong Industrial Park) tại tỉnh Bình Dương.
Ông Chong Chee Keong, Giám đốc phụ trách bất động sản công nghiệp của Frasers Property Việt Nam cho biết, đối với các nhà sản xuất, sau khi trải qua đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên vào năm ngoái, họ đã xem xét và cơ cấu lại chiến lược cũng như năng lực sản xuất của mình để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu và khả năng tồn kho hàng hóa. Do đó, nhu cầu về kho bãi sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới.
“BDIP tập trung vào các khách hàng mục tiêu trong lĩnh vực hậu cần và phân phối, công nghiệp nhẹ và công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và các ngành sản xuất không gây ô nhiễm khác. BDIP sẽ cung cấp tổng cộng hơn 200.000 m2 nhà xưởng các loại cùng với tiện ích hoàn hảo trong khoảng thời gian từ 6 đến 7 năm tới. Trong giai đoạn phát triển đầu tiên, khoảng 40.000 m2 nhà xưởng xây sẵn (BRF) dự kiến được bàn giao cho khách thuê vào quý II/2022”, ông Chee Keong cho biết.
Nắm bắt nhu cầu, nhiều địa phương đã lên kế hoạch đầu tư lớn vào logistics như Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP.HCM, Hậu Giang, Long An...
Cụ thể, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng, quy mô hơn 133 ha. TP.HCM cũng phê duyệt Đề án Phát triển ngành logistics giai đoạn 2021-2030, tập trung phát triển 7 trung tâm logistics với tổng diện tích khoảng 623 ha. Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang công bố phát triển 3 trung tâm logistics trong giai đoạn 2021 - 2025. Long An lên kế hoạch kêu gọi đầu tư các khu tiếp nhận kho vận - logistics tại cảng quốc tế Long An và trung tâm kho vận và dịch vụ logistics ở Bến Lức…
Triển vọng ngành logistics Việt Nam rất lớn
Một liên doanh giữa SLP và GLP cũng đang lên kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào phát triển các tài sản hậu cần hiện đại tại các thị trường mục tiêu của họ gần Hà Nội và TP.HCM trong khoảng 3-4 năm tới.
“Kể từ khi đến Việt Nam vào tháng 10/2020, chúng tôi đã mua lại 5 địa điểm để phát triển dự án kho bãi với tổng diện tích gần 700.000 m2, với vốn đầu tư hơn 200 triệu USD để phát triển các tài sản hậu cần hiện đại. Chúng tôi cũng đã mở rộng đội ngũ nhân viên để phát triển các dự án tại Việt Nam”, ông Craig Duffy, Giám đốc điều hành quản lý quỹ của GLP cho biết.
“Trong 3 đến 4 năm đầu, GLP kỳ vọng sẽ xây dựng được từ 1 đến 1,5 triệu m2 tổng diện tích sàn. Tại các khu vực khác mà GLP là nhà phát triển tích cực về tài sản hậu cần như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Brazil và Ấn Độ, các quỹ phát triển đã được thành lập với các đối tác nhà đầu tư chính và chúng tôi cũng có kế hoạch tương tự tại Việt Nam”, ông Craig Duffy nói thêm.
Cũng vào tháng 5/2021, ESR Cayman Ltd. và Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW đã công bố hợp tác liên doanh xây dựng dự án tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 (tỉnh Bình Dương). Dự án này dự kiến có tổng diện tích khoảng 240.000 m2, cung cấp cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho lĩnh vực logistics và công nghiệp nhẹ ngay khi hoàn thành.
Tập đoàn Maersk đến từ Đan Mạch cũng đã tăng cường khả năng hậu cần và phân phối tại Việt Nam bằng cách mở thêm 2 cơ sở mới tại Bình Dương và Bắc Ninh, tạo thêm 38.000 m2 kho bãi bên cạnh 11 cơ sở đã xây dựng tại Việt Nam.
Bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam cho biết, chỉ trong 2 năm qua, khoảng 3 tỷ USD đã được đầu tư vào hệ thống kho vận và kho bãi của Việt Nam.
“Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng đang đưa Việt Nam trở thành trung tâm kho vận của thế giới, không chỉ đối với vận tải nội địa”, bà Trang Bùi nói.
Thống kê của JLL Việt Nam cũng cho thấy, hàng chục thương hiệu quốc tế đã chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất sang Việt Nam, cho thấy triển vọng của ngành logistics Việt Nam là vô cùng lớn.