Lợi thế
Trong báo cáo của Bộ Tài chính gửi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Chủ tịch, Tổng giám đốc một số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước với chủ đề: Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
![]() |
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với một số Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong giai đoạn 2021-2023, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước duy trì nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp. Khu vực này đóng góp khoảng 28% thu NSNN; thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp này đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, góp phần xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế...
Chính vì vậy, doanh nghiệp nhà nước có nhiều lợi thế trong quá trình chuyển đổi số hóa, việc ứng dụng công nghệ.
Thứ nhất, thông qua hoạt động chuyển đổi số, doanh nghiệp nhà nước có thể xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, mô hình số hóa mẫu, quy trình vận hành hiệu quả để định hướng cho toàn ngành.
Chẳng hạn như EVN đã triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ giám sát lưới điện từ xa và hệ thống quản lý vận hành thông minh. Đây là các mô hình mẫu có thể nhân rộng cho các công ty năng lượng khác trong nước.
Thứ hai, cho đến thời điểm này, doanh nghiệp nhà nước thể hiện rõ vai trò là lực lượng thực hiện chính các chiến lược của Chính phủ trong xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Với khả năng tiếp cận chính sách và phối hợp với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có thể đi đầu trong triển khai các nền tảng dùng chung, dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở...Có thể nhắc tới VNPT, Viettel với hàng loạt nền tảng số đã xât dựng như như Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống y tế số, nền tảng học trực tuyến, hệ thống quản lý dân cư thông minh...
Thứ ba, doanh nghiệp nhà nước có đủ tiềm lực để đầu tư vào AI, IoT, Blockchain, Big Data… với mục tiêu hiện đại hóa quản lý, tăng tính cạnh tranh và mở rộng phạm vi phục vụ.
Dấu ấn hiện hữu
Ngành viễn thông và hạ tầng số là nền tảng cốt lõi cho chuyển đổi số quốc gia. Trong lĩnh vực này, Viettel, VNPT, MobiFone hiện đang nắm giữ phần lớn hạ tầng viễn thông quốc gia, đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng nền móng số.
VNPT và MobiFone đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số cho các cơ quan của Chính phủ và nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; phát triển và ứng dụng thành công các sản phẩm chuyển đổi số về dịch vụ khách hàng…
Viettel đã thành công thực hiện giai đoạn thứ Ba của Chiến lược “Phát triển thành Tập đoàn nghiên cứu sản xuất công nghệ cao, viễn thông, kinh doanh toàn cầu” (giai đoạn 2010-2020). Hiện nay, Viettel đang trong giai đoạn thứ tư với mục tiêu trở thành Tập đoàn công nghệ, kinh doanh toàn cầu, thực hiện thắng lợi chuyển đổi số, tiên phong kiến tạo xã hội số và là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.
Hiện tại, các doanh nghiệp đang đặt mục tiêu tiếp tục giữ vị trí tiên phong, cụ thể đầu tư phát triển mạng 5G, điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu quốc gia; Cung cấp các nền tảng số hóa phục vụ chính phủ điện tử, thành phố thông minh, giáo dục số; Tăng cường an ninh mạng, bảo mật dữ liệu quốc gia...
Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các ngân hàng thương mại nhà nước như VCB, BIDV, VietinBank, Agribank chiếm thị phần lớn và có ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống tài chính quốc gia. Các ngân hàng… đều triển khai ngân hàng số, dễ dàng trong thao tác, tích hợp nhiều giải pháp bảo mật ưu việt trên hệ thống dịch vụ ngân hàng số hiện đại…
Các doanh nghiệp đã và đang tiên phong trong đầu tư phát triển ngân hàng số, ví điện tử, ứng dụng ngân hàng thông minh; Sử dụng AI, big data, blockchain trong chấm điểm tín dụng, phát hiện gian lận, quản trị rủi ro; Mở rộng dịch vụ tài chính số đến khu vực nông thôn, góp phần tăng cường tài chính toàn diện.
Trong lĩnh vực năng lượng và tiện ích công cộng, EVN, PVN, PV GAS đang cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho quốc gia như điện, dầu khí, khí đốt.
Tới đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai các nỗ lực để phát triển hệ thống điện mặt trời, điện gió có tích hợp công nghệ giám sát và điều khiển thông minh; Ứng dụng IoT, AI trong điều phối lưới điện, dự báo tiêu dùng và bảo trì thiết bị; Số hóa toàn bộ quy trình quản lý, chăm sóc khách hàng, thanh toán điện tử.
Trong lĩnh vực logistics và hạ tầng giao thông, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Vietnam Airlines, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Vinalines nắm giữ mạng lưới logistics, giao thông vận tải quốc gia.
Chiến lược tới đây của các doanh nghiệp trong chuyển đổi số là ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, vé điện tử, check-in tự động; Quản lý vận hành kho bãi, luồng hàng bằng phần mềm quản lý thông minh; Sử dụng blockchain trong giám sát hàng hóa, hải quan và vận chuyển quốc tế.
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các tiên tuổi hàng đầu được nhắc đến là Vinacomin, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp, Lilama, Vinatex. Đây là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nền tảng.
Các doanh nghiệp đang đặt kế hoạch triển khai nhà máy thông minh (smart factory) với robot, máy móc kết nối mạng, vận hành tự động; Ứng dụng AI, dữ liệu lớn để tối ưu hóa sản xuất, giảm thiểu chi phí và kiểm soát chất lượng; Thực hiện chuyển đổi số toàn chuỗi cung ứng, từ thiết kế đến phân phối.
Vai trò của doanh nghiệp nhà nước
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là đòi hỏi bắt buộc để tồn tại và phát triển. Với vị trí đặc biệt trong nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm và tiềm năng trở thành lực lượng tiên phong trong quá trình chuyển đổi số của đất nước.
Khi các doanh nghiệp này chuyển đổi số thành công, hiệu ứng lan tỏa sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đưa Việt Nam vững bước trong hành trình trở thành quốc gia số trong tương lai gần.
Đánh giá về vai trò của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đặc biệt nhấn mạnh tới vị trí là động lực góp phần để đặt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 tạo tiền đề cho tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030 và phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước sau khi thực hiện các giải pháp chuyển đổi số thành công sẽ cung cấp những kinh nghiệm quan trọng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số này. Khu vực này cũng có nhiều lợi thế và năng lực để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp để đưa ý tưởng sáng tạo số vào thực tiễn…
Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực này vẫn còn một số tồn tại trong việc thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cũng như hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế; công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới.
Đồng thời, doanh nghiệp nhà nước cũng gặp phải những hạn chế không nhỏ như trong cơ chế hoạt động, khi lĩnh vực đổi mới sáng tạo yêu cầu nguồn tài lực, nhân lực lớn trong khi chưa hoàn toàn chắc chắn về hiệu quả, cũng như đối mặt với nguy cơ thất bại. Thực tế này đã tạo rào cản lớn với các doanh nghiệp nhà nước...