Mục tiêu tăng trưởng đầy quyết tâm của đất nước năm 2025 và giai đoạn tiếp theo thêm một lần nữa đặt khu vực doanh nghiệp nhà nước, với vài triệu tỷ đồng tài sản và hàng chục năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, vào điểm “khai hỏa”.
Nhưng cũng thêm một lần nữa, đòi hỏi gỡ điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp nhà nước trở nên cấp bách khi sứ mệnh của khu vực doanh nghiệp này là đầu tư kiến tạo phát triển, chứ không đơn thuần là đầu tư kinh doanh.
Cần có quy định rõ ràng hơn về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhà nước dám đột phá, dám đổi mới. Trong ảnh: Nhân viên Mobifone hỗ trợ khách hàng tại quầy giao dịch. Ảnh: Đức Thanh |
Bài 3: Thể chế nào để làm lớn
Không thể dừng lại ở mong muốn “được làm như doanh nghiệp tư nhân”, khu vực doanh nghiệp nhà nước cần thể chế để vượt lên các rào cản, làm được những việc khác thường, những công trình, dự án tầm thế kỷ…
“Tấm áo mới”
Trong hình dung của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ phải có “tấm áo mới” để phù hợp với tầm vóc sẽ rất lớn lao khi Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia được phê duyệt trong giai đoạn 2024 - 2025.
Chưa thể gọi “tấm áo” đó tên gì, có thể là tập đoàn kinh tế, có thể là mô hình công ty mẹ - công ty con..., nhưng vị chuyên gia này nhấn mạnh, trong 5 năm tới, chủ sở hữu nhà nước phải tăng vốn để VNR đạt yêu cầu quy mô, tạo cơ chế để VNR thực thi quản trị theo đúng thông lệ quốc tế.
Trong “tấm áo mới”, bên cạnh việc tối đa hiệu quả nguồn lực nhà nước được giao để thực hiện các nhiệm vụ mới, VNR cũng phải đủ điều kiện, cơ sở để huy động nguồn vốn, hợp tác với các nhà đầu tư khác phục vụ mục tiêu phát triển đầy tham vọng của ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam.
VNR, cũng như các doanh nghiệp nhà nước khác, sẽ không chỉ loanh quanh “sân nhà”, tìm kiếm những sản phẩm, dịch vụ có khả năng tạo lợi nhuận, mà sẽ phải là doanh nghiệp định hướng toàn cầu, có tầm nhìn toàn cầu, có thể đầu tư ra nước ngoài, tham gia các doanh nghiệp công nghệ quốc tế, để làm chủ công nghệ, dẫn dắt các doanh nghiệp cùng tham gia hệ sinh thái...
“Thể chế đặt mục tiêu, xác định động lực và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước, trao đủ quyền cho doanh nghiệp nhà nước”, ông Cung nói. Ông đang rất trông đợi các cuộc thảo luận tại tổ vào ngày làm việc cuối tuần này (ngày 23/11) của các đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Không phải ngẫu nhiên, ông Cung nhắc đến cuộc thảo luận này.
Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ sửa đổi và thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vốn đang gây ra nhiều trói buộc khiến doanh nghiệp nhà nước không thể tự chủ kinh doanh. Một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra trong việc sửa luật này là đưa doanh nghiệp nhà nước chơi cùng một sân, cùng một luật về quản trị với doanh nghiệp toàn cầu, gỡ bỏ tầng nấc thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhà nước.
Đặc biệt, trong Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội, nhiều nguyên tắc cần bảo đảm khi xây dựng Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được cho là sẽ tạo nên bước xoay chuyển lớn trong quản trị doanh nghiệp nhà nước. Đơn cử, xác định rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước, tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và với hoạt động quản trị của doanh nghiệp đối với mọi loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.
Đặc biệt, các bộ, quản lý ngành thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về tham mưu xây dựng chính sách và ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành; không can thiệp trực tiếp vào việc quản trị hoạt động, sử dụng vốn tại doanh nghiệp...
Nhưng, như đã nói, việc thể hiện đúng tinh thần các nguyên tắc trên trong nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, cũng như trong từng câu chữ ở các điều khoản lại là thách thức không hề nhỏ.
Cần giải quyết, chứ không chỉ nhận diện vấn đề
Không ít trong số những nguyên tắc trên đã được đề cập từ những năm 2000, khi xác định gỡ điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp tư nhân cũng phải gỡ rào cho doanh nghiệp nhà nước, được đưa vào thành mục tiêu của các chương trình, kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước...
Có nghĩa là, các điểm nghẽn thể chế của doanh nghiệp nhà nước đã được nhận diện từ sớm. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu đến giờ vẫn đang nỗ lực thực thi. Thậm chí, nhiệm vụ từng được đặt nhiều kỳ vọng là 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào năm 2025 theo Nghị quyết số 68/2022/NQ- CP (về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội), không dễ đạt được.
Phân tích thực trạng này, Báo cáo đánh giá của OECD về quản trị công ty trong doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam năm 2022 nhìn nhận, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được khung chính sách thống nhất và cụ thể về sở hữu doanh nghiệp, quyền hạn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang nằm ở đâu đó giữa vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hoặc cơ quan điều phối nhà nước, nên nhiều khi tạo thêm một lớp quản lý hành chính, bên cạnh các bộ, ngành chủ quản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước…
- TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Điều này, ông Nguyễn Hồng Hiển, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Viễn thông Mobifone hiểu khá rõ. Từng là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), được giao làm đại diện phần vốn tại nhiều doanh nghiệp như FPT Telecom, Vinamilk và công tác ở Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Hiển đối mặt trực tiếp với những bí bách khi phân vai không rõ ràng.
Ông kể, có doanh nghiệp phải đánh cả ô tô tài liệu đến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để xin chủ trương đầu tư dự án.
“Nội hàm phê duyệt chủ trương đầu tư của doanh nghiệp không rõ; rồi nội hàm phê duyệt kế hoạch đầu tư theo danh mục dự án hay từng dự án, hay tổng số tiền đầu tư cũng không rõ… Thực tế, có lần chúng tôi làm thủ tục trình duyệt, nhưng rồi nhận được trả lời là doanh nghiệp làm theo quy định của pháp luật”, ông Hiển kể.
Những sự không rõ ràng này còn khiến nhiều doanh nghiệp bị các cơ quan quản lý yêu cầu giải trình, báo cáo từng dự án… khi đánh giá hiệu quả, trong khi các doanh nghiệp dựa trên tổng thể các hoạt động như thông lệ.
Đặc biệt, cơ chế tiền lương đang làm khó doanh nghiệp. Trong giai đoạn cần đổi mới, sáng tạo, cần phát huy nguồn lực con người, thì tiền lương phải được coi là công cụ khuyến khích, thu hút người tài. Nhưng vì đầu tư công nghệ mà biên lợi nhuận giảm, thì lương giảm. Chưa kể, tiền lương là chi phí của doanh nghiệp, mà vẫn phải xin phê duyệt của các các bộ, ngành, hay các điều kiện là người quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước như công chức…, thì làm sao có thể thuê người quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước.
Có lẽ, phải nhắc đến các tồn tại “dường như khá quen thuộc” của doanh nghiệp nhà nước trong báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2023 mà Chính phủ gửi Quốc hội khóa XV trong Kỳ họp thứ tám.
Đó là, một số doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng. Doanh nghiệp nhà nước còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt. Tỷ trọng đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là những ngành mới như sản xuất năng lượng sạch, tái tạo, công nghệ cao, chip bán dẫn, hydrogen chưa được ưu tiên, chưa có những dự án đầu tư với quy mô lớn để tạo động lực bứt phá, có tính lan tỏa...
PGS-TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam gọi tình trạng trên là hệ quả của “sự lờ mờ” trong quy định về nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước.
“Chúng ta đã nói nhiều, nhưng chưa xác định được điểm tối ưu giữa hoạt động kinh doanh và nhiệm vụ công ích/chính sách, từ đó có quy định rõ ràng cơ chế, chính sách, phân giao nhiệm vụ để cả cơ quan quản lý, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và doanh nghiệp nhà nước an tâm. Nếu không rõ, sẽ không ai dám đột phá, không ai dám thí điểm, không ai dám đổi mới”, ông Tuấn thẳng thắn. Cũng có nghĩa, sẽ không có doanh nghiệp nhà nước nào dám làm việc lớn như kỳ vọng…
Trong bối cảnh thị trường không còn là “cá lớn nuốt cá bé”, mà là “cá nhanh thắng cá chậm”, doanh nghiệp nhà nước không thể chờ quá lâu để được gỡ thể chế…
Chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và chức năng quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
Đồng nhất vốn và tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước là vốn tài sản của Nhà nước; can thiệp trực tiếp vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp;
Có nhiều quy định làm hạn chế quyền của doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện và xây dựng hành lang pháp lý thống nhất để doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh;
Đối tượng áp dụng chưa bao gồm vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư dưới 100% vốn điều lệ; các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đầu tư vốn dẫn đến khoảng trống về pháp lý, việc tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng, không rõ nhiệm vụ, không đảm bảo thống nhất;
Quy trình, thủ tục báo cáo, phê duyệt còn nhiều tầng nấc, chưa phân cấp triệt để, phải được sự chấp thuận của nhiều cơ quan quản lý trong quyết định các vấn đề quản trị kinh doanh;
Việc đầu tư vốn (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt;
Lĩnh vực, ngành nghề đầu tư vốn nhà nước còn bị bó hẹp, chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ…
(Còn tiếp)