Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế vừa có buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản và Công ty Hitachi Solution để tìm hiểu đầu tư dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh.
Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, qua tìm hiểu về những tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Công ty Hitachi Solution bày tỏ mong muốn được khảo sát, tìm hiểu đầu tư về dự án năng lượng điện gió.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên làm việc với nhà đầu tư Nhật Bản. |
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cho biết, trên địa bàn tỉnh, những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió được tập trung ở các huyện: Tuy An, Đồng Xuân, Sơn Hòa, thị xã Sông Cầu, Sông Hinh. Hiện nay, đã có 2 dự án điện gió được bổ sung vào quy hoạch và có nhiều nhà đầu tư khác cũng quan tâm đề xuất nghiên cứu, khảo sát đầu tư lĩnh vực này tại tỉnh.
Ông Trần Hữu Thế rất hoan nghênh việc nhà đầu tư Nhật Bản đã quan tâm tìm hiểu, đề xuất đầu tư dự án điện gió tại tỉnh Phú Yên. Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư Nhật Bản, ông Trần Hữu Thế yêu cầu các các sở, ngành của tỉnh thông tin đến nhà đầu tư về những địa điểm có điều kiện gió tốt mà các nhà đầu tư khác chưa tham gia để nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và những thông tin liên quan về thủ tục đầu tư dự án, các chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này; đồng thời cũng chỉ rõ một số khó khăn nhất định khi đầu tư dự án điện gió trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội và thách thức trong việc đầu tư dự án điện gió tại Phú Yên.
Là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, giờ nắng trung bình trong năm của tỉnh Phú Yên 2.467 giờ, cường độ bức xạ trung bình ngày 5,38kWh/m2/ngày, tốc độ gió trung bình 5-7m/s.
Theo Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo vùng Trung bộ đến năm 2020 có xét đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 5133/QĐ-BCT ngày 5/9/2012, tỉnh Phú Yên có tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 65m là 475,33kWh/m2 , tiềm năng năng lượng mặt trời là 2.080,8MW. Phú Yên có nhiều địa điểm tiềm năng gió có khả năng phát triển điện gió như: xã Đa Lộc, Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Thịnh; thị xã Sông Cầu, huyện Sông Hinh…
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có nhiều dự án điện mặt trời đi vào vận hành. |
Sở Công Thương tỉnh Phú Yên cho biết, đã tham mưu cho UBND tỉnh giới thiệu các nhà đầu tư tiếp cận nghiên cứu, khảo sát đo gió, lập bổ sung quy hoạch các khu vực tiềm năng.
Đến nay đã có 2 dự án điện gió với tổng công suất 350MW được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là Nhà máy điện gió xanh Sông Cầu do Công ty TNHH Năng lượng xanh Sông Cầu làm chủ đầu tư và Dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ do Công ty TNHH HBRE Phú Yên làm chủ đầu tư. Ngoài ra, còn 6 dự án khác được UBND tỉnh Phú Yên cho phép nhà đầu tư tiếp cận nghiên cứu, khảo sát đo gió.
Đối với lĩnh vực điện mặt trời, hiện tỉnh Phú Yên có 7 dự án được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất 656MWp gồm: Dự án nhà máy ĐMT Hòa Hội 257MWp; Xuân Thọ 2 49,6MWp; Dự án điện mặt trời xanh Sông Cầu 150MWp;… Ngoài ra còn 9 dự án tỉnh đang chờ Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực. Đến nay đã có 5 dự án với tổng công suất 456MWp đã hoàn thành và phát điện thương mại.