Doanh nghiệp Nhật Bản tìm nhà cung ứng Việt
Business Chatting Program (BCP), chương trình hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tìm kiếm nhà phân phối, khách hàng và các đối tác với nhau dựa trên nền tảng là công cụ Chatwork vừa thông tin, Tập đoàn Kohnan (Nhật Bản) đang tìm kiếm các đối tác xuất khẩu đồ gia dụng tại Việt Nam.
. |
Vào Việt Nam từ năm 2016, Home Center Kohnan (thuộc Tập đoàn Kohnan) là doanh nghiệp kinh doanh hàng gia dụng với quy mô 300 cửa hàng ở Nhật Bản.
Từ thành công ở Nhật Bản và nhận thấy tiềm năng tại thị trường Việt Nam, Home Center Kohnan đã hiện diện tại Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản phẩm cung cấp, Kohnan đang cần kết nối với các nhà sản xuất, cung ứng có chất lượng, năng lực và có nhu cầu làm ăn lâu dài với đối tác Nhật Bản.
Cụ thể, hãng này muốn tìm kiếm các nhà cung ứng các loại mặt hàng gia dụng, đồ nội thất tự lắp đặt, các dòng sản phẩm mới như đồ dùng trong ngôi nhà thông minh, ổ khóa và hệ thống thiết bị số… để bán trong hệ thống Home Center Kohnan.
Ông Hatakeyama Motonobu, Tổng quản lý cấp cao Kohnan Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tìm kiếm các đơn vị cung ứng dựa trên tiêu chí: mọi sản phẩm kinh doanh trong hệ thống siêu thị phải có thiết kế và chất lượng cao nhất, bên cạnh việc đáp ứng đủ nguồn cung với quy trình sản xuất bền vững”.
Theo ông Hatakeyama Motonobu, các mặt hàng thu mua sẽ được bày bán tại cửa hàng Việt Nam và Công ty có kế hoạch mở thêm 2 cửa hàng trong thời gian tới.
Không dừng lại đó, trong tương lai gần, Kohnan Việt Nam sẽ tiến hành thu mua hàng hóa cho các cửa hàng tại Nhật Bản, đồng triển khai sản xuất các dòng sản phẩm đặc trưng dùng trong toàn hệ thống.
Home Center Kohnan ra đời vào năm 1978 và hiện là một trong những nhà cung cấp trang thiết bị gia dụng, đồ nội thất tự lắp đặt, dụng cụ làm vườn… hàng đầu Nhật Bản với doanh số đạt trên 300 tỷ yên (số liệu tháng 2/2018 của Tập đoàn Kohnan).
Với ngành sản xuất đồ gia dụng bằng gỗ, nhựa tại Việt Nam có quy mô cả tỷ USD, trong đó, riêng đồ gỗ xuất sang Nhật Bản trong 10 tháng đạt 1,130 tỷ USD, tăng hơn 100 triệu USD so với con số 1 tỷ USD của cả năm 2017, thì cơ hội làm ăn với doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhiều dư địa.
30 chuyến bay tới Việt Nam tìm nông sản
Đó câu chuyện về ông chủ một tập đoàn lớn của Nhật Bản tìm kiếm đầu mối cung cấp nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật đã được lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê (Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) tiết lộ khi đánh giá về nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp nông sản tại Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Làm ăn với Nhật Bản trong lĩnh vực luyện cán thép, điện tử, bao bì… đã lâu, Công ty Hiền Lê mới tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. Công ty này nhận thấy, nếu đầu tư bài bản, tuân thủ quy trình sản xuất, sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… thì tương lai xuất khẩu rất sáng sủa.
“Làm nông sản sạch, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe sẽ là con đường duy nhất để doanh nghiệp Việt không phải lo đầu ra. Bước chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp của Hiền Lê cũng không nằm ngoài mục tiêu đó”, bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Giám đốc Công ty Hiền Lê cho biết.
Ông Satomi Hiroshi, chuyên gia nông nghiệp thuộc Tập đoàn Nosui (Nhật Bản), người đã song hành với Công ty Hiền Lê hơn 1 năm nay để hỗ trợ sản xuất theo đúng quy trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Nhật nhận định, cách làm nông nghiệp bài bản, tuân thủ đúng quy trình của nhà nhập khẩu với tiêu chí chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn như của Hiền Lê đang triển khai, doanh nghiệp sẽ không phải quá bận tâm về đầu ra.
Bà Hiền cho biết, 3 năm dồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, với mục tiêu mở rộng hạn điền, làm quy mô lớn hướng tới xuất khẩu các loại nông sản nhiệt đới như đậu tương, khoai sọ, vải thiều..., Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê đã bắt đầu có được “trái ngọt” khi chốt được đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính bậc nhất là Nhật Bản và Anh.
Theo đó, những ngày này, 20 ha trồng đậu tương xuất khẩu mà Hiền Lê đầu tư tại thôn An Hòa (xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng) đang trong cao điểm thu hoạch để kịp vận chuyển về Nhà máy chế biến tại Hải Dương, sau đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, mà khách hàng nhập khẩu chính là Tập đoàn Nosui.
Bà Nguyễn Thị Bảo Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê