Ngày 4/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an chuyển hồ sơ vụ án liên quan “chuyến bay giải cứu” đến Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đề nghị truy tố 54 bị can về 5 tội danh gồm: Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối hộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong vụ án này, có hàng loạt cựu cán bộ thuộc các cơ quan của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan đã nhận hối lộ hàng trăm tỷ đồng để đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách “chuyến bay combo”, tham gia chiến dịch giải cứu người Việt Nam tại một số nước có tình hình dịch Covid-19 phức tạp.
Cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân. |
Tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhiều chuyến bay giải cứu và các cơ sở cách ly, phục vụ phòng chống dịch cũng đã được triển khai. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động trên được xác định có mối quan hệ quen biết, đưa hối lộ với người có thẩm quyền phê duyệt chủ trương.
Cụ thể, theo kết luận điều tra của Bộ Công an, với vai trò được giao phụ trách các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; y tế, giáo dục; đồng thời được giao làm Phó trưởng ban thường trực phòng chống dịch của tỉnh, bị can Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản phân công trách nhiệm các sở ngành về việc đón công dân về nước cách ly tại khách sạn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ông Nam đã 9 lần nhận tiền để tạo điều kiện cho Công ty TravelSky của các bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn được tổ chức cách ly công dân được đón về Việt Nam.
Theo điều tra ban đầu, vào tháng 5/2021, Hằng thông qua một nữ nhân viên kinh doanh một khu nghỉ dưỡng, gặp Trần Văn Tân tại trụ sở UBND tỉnh rồi đặt vấn đề và được đồng ý cho tổ chức đón công dân từ Nhật Bản về cách ly tại một khu nghỉ dưỡng. Trong buổi gặp, Hằng “tặng” vị Phó chủ tịch tỉnh 600 triệu đồng.
Cũng trong tháng 5/2021, Hằng và nữ nhân viên khu nghỉ dưỡng tiếp tục đến phòng làm việc của Trần Văn Tân, biếu 450 triệu đồng để xin thực hiện chuyến bay giải cứu do Văn phòng Chính phủ cấp. Sau đó, ông Tân đã ký 2 văn bản, thống nhất cho Công ty TravelSky đón công dân về cách ly tại Quảng Nam.
Ngày 8/6/2021, Hằng và nữ nhân viên khu nghỉ dưỡng lại đến gặp bị can Tân, xin tiếp tục được đưa công dân về cách ly nhằm tạo cơ sở xin tổ công tác 5 Bộ cấp giấy phép thực hiện chuyến bay giải cứu. Tại phòng làm việc Hằng và nữ nhân viên đã đưa 300 triệu đồng cho cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Một tuần sau, Hằng và cấp dưới là Lê Hồng Sơn lại đến gặp Tân, đưa 400 triệu đồng. Đổi lại, họ nhận được 3 văn bản thống nhất chủ trương cho Công ty TravelSky tổ chức đón công dân từ nước ngoài về cách ly tại Quảng Nam.
Từ 29/6 đến 31/12/2021, cũng để đạt được các mục đích như trước đó, Nguyễn Thị Thanh Hằng tiếp tục nhiều lần mang tiền đưa cho ông Tân, mỗi lần từ 440 đến 900 triệu đồng. Tổng cộng, ông Tân đã nhận 5 tỷ đồng từ nhóm Hằng và Sơn.
Cơ quan chức năng cáo buộc cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phạm tội "Nhận hối lộ" theo khoản 4, Điều 354, với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Trong quá trình điều tra, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam được đánh giá là thành khẩn khai báo, nhận thức hành vi phạm tội của mình, đã nộp lại 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Cũng theo cơ quan chức năng, một số cá nhân tại UBND tỉnh Quảng Nam cũng nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Hằng. Tuy nhiên, vụ việc này được tách hồ sơ, xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.