Từ nay đến cuối năm, HNX sẽ chào đón thêm một số doanh nghiệp mới lên niêm yết. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Chỉ trong ngày 20/10, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã chào đón thêm 2 doanh nghiệp niêm yết mới là CTCP Phát triển Hàng hải (VMS) và CTCP Hóa chất Đức Giang – Lào Cai (DGL). Sự góp mặt của 2 mã cổ phiếu mới này đã nâng tổng giá trị chứng khoán niêm yết trên HNX (tính theo mệnh giá) đạt xấp xỉ 104.400 tỷ đồng và nâng số mã cổ phiếu trên sàn lên con số 371.
Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch HĐQT VMS cho biết, việc lên niêm yết trên sàn HNX đánh dấu một bước phát triển mới của Công ty, mở ra cơ hội tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp; thúc đẩy sự minh bạch, chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
VMS có vốn điều lệ 90 tỷ đồng, là công ty con của Vinalines, với ngành nghề chính là kinh doanh dịch vụ hàng hải, logistics và các hoạt động khai thác, cho thuê bãi container và ICD, vận tải nội địa, vận tải đa phương thức. VMS cũng là đơn vị thành viên thứ 6 của Vinalines đưa cổ phiếu lên giao dịch tập trung trên HNX.
Theo lãnh đạo VMS, doanh thu các mảng hoạt động của Công ty tăng trưởng đều qua các năm, biên lợi nhuận gộp các mảng kinh doanh của Công ty vẫn đạt mức 10% từ năm 2013 đến nay.
Phát biểu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu DGL, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT CTCP Hóa chất Đức Giang – Lào Cai chia sẻ, việc DGL - công ty con của CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (DGC) niêm yết sẽ là động lực để 2 công ty liên kết của DGC (CTCP Hóa chất Phân bón Lào Cai, CTCP Hóa chất Đức Giang - Đình Vũ) lên sàn, tiến tới sáp nhập thành một công ty lớn. Mục tiêu kế tiếp của Công ty là phấn đấu để trở thành 1 trong 30 cổ phiếu thuộc bộ chỉ số HNX30.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, HNX sẽ chào đón thêm một số doanh nghiệp mới, trong đó có CTCP Xuất nhập khẩu than – Vinacomin với 11 triệu cổ phiếu.
Tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE), không khí niêm yết cũng sôi động hơn hẳn. Đại diện HOSE cho biết, trong tháng 10, HOSE chào đón một số doanh nghiệp mới như CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) niêm yết 47,64 triệu cổ phiếu (tương đương vốn điều lệ 476,4 tỷ đồng), CTCP Nafoods Group (NAF) niêm yết 30 triệu cổ phiếu…
Sở cũng vừa chấp thuận hồ sơ đăng ký niêm yết của CTCP Đầu tư Du lịch và Phát triển thủy sản (DAT) và 38, 1 triệu cổ phiếu sẽ chính thức được niêm yết trên HOSE vào ngày 5/11 tới, với giá tham chiếu 13.000 đồng/CP. Ngoài ra, HOSE cũng đang xem xét chấp thuận niêm yết cho CTCP Đầu tư Phát triển công nghiệp (có vốn điều lệ 300 tỷ đồng) và CTCP Tư vấn dự án Quốc tế KPF (có mức vốn điều lệ 156 tỷ đồng)…
Dù không khí lên niêm yết mới trên hai sàn chứng khoán đang sôi động hơn các năm trước, tuy nhiên vẫn thiếu vắng nhiều cái tên được trông đợi, đó là các doanh nghiệp nhà nước đầu ngành, có lợi thế riêng đã được cổ phần hóa. Giới đầu tư kỳ vọng, cơ quan quản lý tiếp tục xây dựng những cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đã cổ phần hóa, kinh doanh hiệu quả lên niêm yết.
Về phía Uỷ ban Chứng khoán, được biết, cơ quan này đang soạn thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 60/2015/NĐ-CP để trình Bộ Tài chính ban hành trong thời gian tới. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 60 liên quan đến niêm yết là thúc doanh nghiệp đã cổ phần hóa phải lên sàn nhanh hơn.
Lãnh đạo hai sở GDCK cũng cho biết, trong vai trò của mình, các sở đang và tiếp tục cam kết sẽ tạo mọi điều kiện, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thị trường một cách nhanh chóng, hiệu quả.