Đầu tháng 05/2020, Sacombank bổ sung thêm 6.000 tỷ đồng vào nguồn vốn ưu đãi lãi suất, kéo dài đến 12/06 với khách hàng cá nhân và ngày 11/08 với khách hàng doanh nghiệp (hoặc khi hết nguồn vốn).
Tuy nhiên sau 2 tháng triển khai, ông Tuệ cho biết, số lượng khách hàng tiếp cận gói vay lãi suất ưu đãi này rất thấp vì “không có nhu cầu”.
Nguồn vốn ưu đãi được Sacombank triển khai từ ngày 27/02 có giá trị ban đầu là 10.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất kinh doanh.
Như vậy đến nay, Sacombank đã dành đến 16.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.
Đại diện này thừa nhận, cơ cấu nợ hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều doanh nghiệp vì phụ thuộc vào nhiều lý do, trong đó có các quy định của ngân hàng Nhà nước.
“Các doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch có thể bị giảm lợi nhuận nhưng chưa lỗ nên có sự thông cảm với ngân hàng thương mại vì nếu chúng tôi cơ cấu lại nợ lại không được nghiệm thu, hạch toán lợi nhuận và ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng”, ông Tuệ nói và lý giải, nguồn vốn cho vay của các ngân hàng như Sacombank đều phụ thuộc vào khả năng huy động tiền gửi.
Kéo theo đó, không thể giảm lãi suất cho vay trong giai đoạn này với nguồn tiền gửi đã huy động trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Trước những phàn nàn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục vay vốn, ông Tuệ cho rằng vấn đề này là có thật nhưng hiện còn rất ít và có chăng vấn đề này xảy ra tại một vài thời điểm trùng giai đoạn điều hành chính sách vĩ mô trong tăng trưởng tín dụng bị giới hạn.
Trong khi đó, các ngân hàng như Sacombank phải “giành nhau khách hàng nên nói khó tiếp cận là không hoàn toàn đúng”.
Vị này cho biết, các thủ tục cho vay, thế chấp hợp đồng tín dụng thường dài vài chục trang. Ngân hàng có muốn giảm cũng không thể, dù đang tích cực số hóa để rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ hỗ trợ khách hàng.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank chia sẻ tại hội nghị kết nối ngân hàng- doanh nghiệp được tổ chức chiều 02/07 tại TP.HCM (Ảnh: HP). |
Ngoài ra, 2 vấn đề được quan tâm nhất khi nói đến ngân hàng là vay và gửi tiền.
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Sacombank cho rằng, doanh nghiệp nên quan tâm khai thác sử dụng sản phẩm dịch vụ tiện ích của ngân hàng vì giúp tiết kiệm nhiều chi phí của doanh nghiệp.
Đặc biệt là các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như giải pháp ngân hàng điện tử mà doanh nghiệp có thể ngồi nhà thao tác thay vì phải đến ngân hàng như nộp tài khoản, thanh toán, chuyển tiền quốc tế, đăng ký nhu cầu vay vốn,…
“Khi tiếp cận các nhu cầu vay vốn, chúng tôi quan tâm nhất là phương án kinh doanh có hiệu quả hay không. Doanh nghiệp đã, đang và chắc chắn tiếp tục khó khăn. Các chính sách như thời gian qua vẫn chưa đủ và cần bổ sung chính sách quyết liệt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp trong từng giai đoạn, tùy theo mức độ diễn biến của đại dịch Covid-19”, ông Phan Đình Tuệ chia sẻ.