Ngân hàng - Bảo hiểm
Doanh nghiệp nội nuôi tham vọng giành lại thị phần du lịch trực tuyến
Trần Hà - 11/07/2019 16:22
Quy mô thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD, nhưng doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 20% thị phần. Nhiều doanh nghiệp nội đang nuôi tham vọng giành lại thị phần từ khối ngoại.

Giành lại thị phần

Ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch cho biết, hiện Việt Nam chỉ có khoảng 10 sàn giao dịch điện tử về du lịch như Tripi.vn, gotadi.vn, ivivu.com… mới chiếm chưa đầy 20% thị phần giao dịch dịch vụ điện tử, hơn 80% thị phần còn lại thuộc về các tên tuổi ngoại như TripAdvisor, Agoda, Booking.com, Yelp, Airbnb, HomeAway… 

Vị thế áp đảo của khối ngoại rất có thể bị thay thế khi thị trường du lịch đã và đang chứng kiến sự vào cuộc của các doanh nghiệp nội có tiềm năng.

Năm 2016, Vntrip.vn mới đi vào hoạt động, nhưng đến nay, OTA (Online Travel Agency – đại lý du lịch trực tuyến) này đã tự xây dựng được mạng lưới thành viên với 11.000 khách sạn khắp cả nước.

Trước đó, start-up này đã bắt tay với booking.com, sau đó hợp tác với Expedia, để gia tăng nguồn phòng cho mình. Hiện, nền tảng này đã có mạng lưới kết nối với hơn 1 triệu khách sạn tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngay sau khi gọi vốn thành công với mức định giá 45 triệu USD từ nhà đầu tư Thụy Sỹ IHAG Holding tháng 8/2018, Vntrip.vn cũng công bố chính thức sáp nhập Atadi.vn, đơn vị hàng đầu về cung cấp vé máy bay giá rẻ tại Việt Nam, vào hệ thống của mình.

Cũng cần nói thêm, Atadi.vn là nền tảng được biết tới là siêu thị vé rẻ khi cung cấp dịch vụ tìm kiếm vé máy bay trên nhiều hành trình, nhiều điểm đến từ tất cả các hãng hàng không tại Việt Nam và trong khu vực, cho phép người dùng so sánh và đặt vé trực tuyến từ nhiều hãng trên cùng một giao diện web.

Để tạo lợi thế so sánh với các đối thủ ngoại, Vntrip.vn còn đưa ra dịch vụ đón tại sân bay miễn phí.

Không chỉ doanh nghiệp công nghệ, mà những doanh nghiệp du lịch lớn có tiềm lực cũng nhảy vào cuộc chơi này.

Đầu tiên là Tập đoàn Thiên Minh với nền tảng Ivivu mà theo CEO của Tập đoàn này, ông Trần Trọng Kiên, Ivivu cung cấp dịch vụ thậm chí rẻ hơn tới 10% so với Agoda.

Ra đời khá lặng lẽ từ tháng 8/2018, đến thời điểm hiện tại, Tripu.vn của Vietravel đã có mức tăng trưởng khoảng 200%. Nền tảng này đã hợp tác với trên 3.000 khách sạn Việt Nam. Ở nước ngoài, Tripu.vn đang hợp tác với hệ thống khách sạn của các thương hiệu lớn như Hilton, Angkor Hotel, Best Western Hotels & Resorts.

Cuộc chiến không cân sức

Để giành thêm thị phần trong miếng bánh thị trường hầu hết do khối ngoại chiếm, ông Nguyễn Vũ Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch Tripu cho biết, Tripu đã hợp tác với đơn vị đang cung cấp công nghệ cho trang thương mại điện tử Amazon.

Trong cuộc họp về du lịch trực tuyến mới đây, trả lời câu hỏi của đại diện một khách sạn rằng liệu Tripu có thể đem lại lợi thế gì hơn so với các OTA ngoại, khi đơn vị này luôn được đưa thông tin lên vị trí đầu trang, nghĩa là tiếp cận trực diện với khách hàng mua lẻ, ông Hoàng cho biết, nếu các OTA nước ngoài đem lợi nhuận, hoa hồng bỏ hết vào túi mình, thì Vietravel cam kết sẽ hồi lại khoản tiền này đầu tư quay trở lại cho ngành du lịch.

“Trước mắt, Tripu không tính lợi nhuận để tăng lượng đặt phòng và lấy phần hoa hồng thấp hơn khoảng 1/2 các OTA ngoại. Tăng cường đầu tư vào quảng bá, marketing nhằm đem lại lợi ích cho các khách sạn, đơn vị hàng không sử dụng nền tảng này”, ông Hoàng cam kết. 

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), những doanh nghiệp Việt dám đầu tư vào du lịch trực tuyến là vô cùng dũng cảm.

Lý do là, doanh nghiệp nội đa phần công nghệ yếu, vốn ít, có vài trăm tỷ đồng đã là rất lớn, nhưng làm du lịch trực tuyến thì vài trăm tỷ đồng chưa là gì. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có chính sách hay quy định nào liên quan tới du lịch trực tuyến.

Cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực du lịch trực tuyến giữa 2 khối nội - ngoại được ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên HG Holdings và Gotadi (trang web đặt phòng trực tuyến) so sánh là đọ sức giữa một thanh niên 20 tuổi và một đứa trẻ 2 tuổi, trong đó doanh nghiệp Việt luôn ở thế hụt hơi.

Nhìn ở góc độ khác, theo đánh giá của đại diện Grant Thornton Việt Nam, các kênh OTA ngoại dù đang hỗ trợ rất tốt hoạt động bán hàng cho các khách sạn, nhưng nếu doanh số bán hàng của khách sạn qua OTA ngoại chiếm 60% tổng doanh số thì khách sạn có thể bị lệ thuộc và gặp rủi ro.

Hệ lụy của việc bị lệ thuộc này là các khách sạn Việt Nam sử dụng dịch vụ trên các OTA ngoại có thể phải trả tới 46% hoa hồng cho các đại lý trực tuyến, vì ngoài tiền hoa hồng bán phòng, khách sạn phải trả thêm phí quảng cáo để được xuất hiện ở vị trí đầu của OTA. 

Bởi vậy, với chiến lược lấy phần trăm hoa hồng thấp, có trụ sở tại Việt Nam, sẵn sàng hợp tác với cả những khách sạn chưa có tên tuổi và các homestay mới, cùng nhiều chương trình khuyến mãi, rất có thể các OTA Việt sẽ tạo nên sự thay đổi đáng kể trong thị trường du lịch trực tuyến.

Gần 90% du khách tìm kiếm thông tin du lịch trực tuyến

 Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018 ước tính đạt 15,6 triệu lượt người, tăng 2,7 triệu lượt so với năm 2017. Gần 90% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tra cứu thông tin du lịch qua Internet. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước tận dụng để tăng thị phần du lịch trực tuyến.

Tin liên quan
Tin khác