Đầu tư
Doanh nghiệp Pháp quan tâm tới dự án đường sắt đô thị
Hoàng Hải - Hồng Sơn - 29/05/2013 14:27
Trong khuôn khổ các hoạt động của năm Pháp-Việt, phái đoàn 11 doanh nghiệp đến từ Pháp đã có mặt tại Hà Nội và TP.HCM, từ ngày 27- 29/5/2013 nhằm giới thiệu công nghệ và kinh nghiệm với các nhà chuyên môn Việt Nam trong lĩnh vực đường sắt đô thị.
TIN LIÊN QUAN

Phát biểu khai mạc hội thảo “ Đường sắt đô thị” do Cơ quan Thương mại UBIFRANCE Vietnam tổ chức tại TP.HCM, Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM Fabrice Mauries cho rằng, Phát triển lĩnh vực đường sắt đô thị là một trong những ví dụ cụ thể của quan hệ đối tác song phương, mà biểu hiện cụ thể là tuyến đường sắt đô thị số 3 của Hà Nội (tuyến thí điểm) với cam kết tài chính đáng kể của Pháp.

Các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm tới dự án đường sắt đô thị Việt Nam

Do vậy, đoàn công tác gồm 11 doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực giao thông đô thị đến Việt Nam lần này với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế quý báu, đề xuất những giải pháp thích hợp với thực tế Việt Nam, nhằm đóng góp vào quá trình tạo lập 1 hệ thống giao thông đô thị hiệu quả cao.

11 công ty Pháp tham dự hội thảo, tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam lần này gồm: ACS-XEROX, ALSTOM, APSYS-EADS, AREP, COLAS RAIL, ETF, SCE, SYSTRA, TANGRAM, VOSSLOH COGIFER, YELLOW WINDOW.

Với tốc độ tăng GDP trung bình hàng năm 7% trong 20 năm qua, tốc độ tăng dân số khoảng 1 triệu người/năm và tốc độ đô thị hoá cao, Việt Nam cần phải có mạng lưới giao thông với đường sắt đô thị. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã có quy hoạch nhấn mạnh vào các hệ thống đường sắt đô thị. Tại Hà Nội, đã có 4 trong số 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch đang được tích cực triển khai. Tp.Hồ Chí Minh cũng có quy hoạch 7 tuyến đường sắt đô thị, cùng 1 tuyến xe điện mặt đất (Tramway) và 2 tuyến đường sắt 1 ray (Monorail).

Ông Alain RUINET, Giám đốc điều hành Công ty APSYS

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Pháp chia sẻ những kinh nghiệm về Xây dựng và khai thác cơ sở hạ tầng giao thông đô thị; Quy hoạch đô thị và phát triển bền vững.

Ông Alain RUINET, CEO của công ty APSYS nhận xét, các dự án giao thông của Việt Nam nói chung và nhất là dự án đường sắt đô thị trong hồ sơ còn thiếu các chứng nhận an toàn hệ thống nên trong đấu thầu quốc tế hoặc vay vốn, nhận vốn tài trợ ... sẽ gặp khó khăn.

Với gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ rủi ro và chứng thực cho các ngành hàng không, năng lượng, công nghiệp, giao thông... APSYS sẵn sàng hợp tác và song hành với các dự án đường sắt đô thị ở Việt Nam từ khi lập dự án, báo cáo khả thi, thi công đến bảo trì.

Cũng ở tốp đầu thế giới trong lĩnh vực xây dựng và bảo trì hạ tầng đường sắt, ông Herve‘ GRILLOT, CEO của công ty ETF khẳng định, doanh nghiệp này có đủ điều kiện thực hiện tất cả các loại dự án, như : Đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc, đường sắt nội bộ trong các dự án công nghiệp, hợp tác theo hình thức PPP, các chủ đầu tư là nhà nước hoặc nhà tài trợ quốc tế.

ETF cũng là một trong số các doanh nghiệp Pháp hiện đang tham gia các dự án đường sắt tại Việt Nam. Từ những kinh nghiệm tại Việt Nam, ETF sẽ sẵn sàng chia sẻ các giải pháp cụ thể về phương pháp rút ngắn thời gian thi công với các doanh nghiệp khac.

Chia sẻ thông tin với doanh nghiệp Pháp, ông Lê Huy Hoàng, PGĐ Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, trong 8 tuyến đường sắt đô thị được Chính phủ phê duyệt, đến nay Hà Nội đã triển khai, thi công 3 tuyến (trong đó, tuyến số 3 được Pháp tài trợ vốn). Các tuyến còn lại, Hà Nội rất hy vọng hợp tác với các doanh nghiệp Pháp, nhất là trong đầu tư dự án, tư vấn quy hoạch - thiết kế, nhà thầu thi công...

Ông Hoàng Như Cương, PGĐ Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM

Ông Hoàng cũng nêu một số khó khăn của phía Việt Nam, như chưa có quy hoạch tổng thể chi tiết về đường sắt đô thị; thiếu hành lang pháp lý cho việc thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng cho đường sắt đô thị; năng lực, kinh nghiệm về quản lý dự án của chủ đầu tư đối với dự án thí điểm, qui mô lớn, kỹ thuật phức tạp còn hạn chế...

Ông Hoàng Như Cương, Phó giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đồng tình với những khó khăn chung khi triển khai các dự án đường sắt đô thị. Đồng thời, đề nghị để "gỡ khó" vấn đề thu hồi đất, GPMB cho dự án đường sắt đô thị cần đưa thành dự án riêng, có sự hỗ trợ của nhà nước và phải hoàn thành việc GPMB trước khi khởi công...

Được biết, theo quy hoạch đã duyệt thì TP.HCM có 7 tuyến đường sắt đô thị, cùng 1 tuyến xe điện mặt đất (Tramway) và 2 tuyến đường sắt 1 ray (Monorail).

Tin liên quan
Tin khác