Ngành dệt may được dự báo tăng trưởng trong năm nay. Ảnh: Chí Cường |
Ông Trần Văn Quy, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy cho biết, doanh nghiệp này vừa đưa vào hoạt động nhà máy dệt - nhuộm - hoàn tất tại Khu công nghiệp Hải Sơn (Long An) với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 1 ha, năng lực sản xuất lên đến 2 triệu mét vải/năm.
Thực tế, việc chuẩn bị đầu tư này đã được Trung Quy thực hiện từ hồi giữa năm ngoái, ngay sau khi doanh nghiệp ký hàng loạt hợp đồng, trong đó có những đối tác đến từ Mỹ đặt mua đơn hàng lớn khẩu trang vải kháng khuẩn. Doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ và thiết bị hoàn toàn mới cho nhà máy này, trong đó có 50 máy dệt và 10 máy nhuộm theo công nghệ Đức, giúp tiết kiệm 60 - 70% nước so với công nghệ cũ, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trung Quy là một nhà cung cấp vải nguyên liệu hàng đầu tại khu vực phía Nam, với đối tác là các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dệt may, trong đó có không ít doanh nghiệp FDI quy mô lớn. Khoản đầu tư mới này không chỉ giúp Trung Quy nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng các mặt hàng dệt may ra thị trường, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may trong nước khép kín chuỗi giá trị, bảo đảm nguồn nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, trong điều kiện Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn cung nguyên liệu dệt may còn khó khăn.
Thông tin từ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, mới đây, doanh nghiệp đã nhận được tin vui từ thị trường Mỹ khi quyết định về việc áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm tôm của Minh Phú bị hủy bỏ, nhờ vậy doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh hơn để gia tăng xuất khẩu vào thị trường khó tính này trong thời gian tới. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ tự tin thực hiện các kế hoạch đầu tư, phát triển sản xuất đã đề ra.
Trong tháng 1/2021, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên của năm, gồm 160 tấn tôm đông lạnh sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày đã có hoạt động sản xuất ngay từ đầu năm. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM cho biết, phần lớn các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quí I, thậm chí có đơn hàng dài hạn hơn, giúp đảm bảo được việc làm cho người lao động sau khi nghỉ Tết.
Các doanh nghiệp đã rút ra kinh nghiệm từ năm ngoái, do ảnh hưởng dịch bệnh đột xuất không có nguyên liệu dự trữ để sản xuất, đơn hàng xuất khẩu bị đình trệ, nên doanh nghiệp đã chủ động đàm phán với đối tác từ trước để sẵn sàng nguồn nguyên liệu cho vài tháng sau Tết.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, diễn biến dịch bệnh còn tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế nên chưa thể quá lạc quan, mà chỉ dự báo và kỳ vọng năm nay doanh nghiệp của ngành sẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn năm trước.
Cùng với dệt may, ngành da giày cũng được dự báo tăng trưởng trong năm nay. Nhiều nhà mua hàng quốc tế đánh giá cao năng lực của doanh nghiệp da giày Việt Nam, đặc biệt trong hoạt động thiết kế, nghiên cứu và phát triển, vốn là những khâu mang lại giá trị cao cho ngành.
Với việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, được nhìn nhận sẽ giúp ngành da giày dần khôi phục, có những chuyển biến tích cực và đơn hàng quay trở lại.
Thực tế, ngay dịp đầu năm, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày cũng khá sôi động trong việc tuyển lao động. Chẳng hạn, Công ty PouYuen Việt Nam (TP.HCM), một doanh nghiệp FDI chuyên gia công cho các thương hiệu giày nổi tiếng thế giới, có nhu cầu tuyển dụng hơn 2.000 lao động ở các vị trí như kỹ thuật viên công nghệ thông tin; nhân viên thu mua, kế hoạch báo giá, sản xuất quản lý chất lượng; thư ký trợ lý, nhân viên văn phòng; công nhân sản xuất, lao động phổ thông...
Hay Công ty TNHH May mặc quốc tế Việt Hsing (Bình Dương) cũng thông báo tuyển dụng với số lượng 500 lao động với nhiều chế độ ưu đãi như: sau 1 tháng ký hợp đồng lao động sẽ tham gia bảo hiểm xã hội, học việc có lương, phụ cấp cao, chưa biết may thì sẽ được học nghề.