Doanh nghiệp
Doanh nghiệp Thái lấn sân ngành xi măng
Thế Hải - 09/03/2017 10:39
Holcim Việt Nam đã chính thức về tay Tập đoàn SCCC (Thái Lan) với tên thương hiệu mới là INSEE, sẽ ra mắt thị trường vào tháng 6/2017.
Holcim Việt Nam hiện đã được đổi tên thành INSEE.

Ông chủ Thái bỏ 580 triệu USD vào xi măng Việt

Sau hơn nửa năm tiến hành các thủ tục mua lại 65% cổ phần của Holcim Việt Nam từ Tập đoàn LafargeHolcim, Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) đến từ Thái Lan đã chính thức sở hữu Xi măng Holcim Việt Nam và đổi tên thành INSEE.

Như vậy, ông chủ Thụy Sỹ đã chính thức chia tay thị trường xi măng Việt Nam, nhường lại “đấu trường” cho ông chủ người Thái.

Tính từ thời điểm LafargeHolcim công bố kế hoạch rút khỏi Việt Nam, trong rất nhiều nhà đầu tư để ý đến thương vụ này, những ông chủ Thái như SCCC và Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) đều xuất hiện hàng đầu trong danh sách muốn thâu tóm Holcim Việt Nam.

Dù không nổi  như SCG với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bao bì, hóa dầu tại Việt Nam, nhưng SCCC lại là đối thủ nặng ký nhất, “chốt hạ” được với LafargeHolcim bằng việc bỏ ra khoản vốn hơn 580 triệu USD để thâu tóm 65% cổ phần tại Holcim Việt Nam. 35% vốn còn lại trong Liên doanh này do doanh nghiệp Việt Nam là Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) sở hữu.

Việc chuyển hướng kinh doanh sang các thị trường khu vực Đông Nam Á được SCCC triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đường đi này đã được vạch ra tại chiến lược phát triển của SCCC.

Được biết, SCCC là công ty xi măng lớn thứ nhì Thái Lan, chỉ đứng sau SCG – doanh nghiệp đã đầu tư hơn 715 triệu USD vào Việt Nam.

Trong năm 2015, doanh thu của SCCC là 892 triệu USD, lợi nhuận ròng đạt 131 triệu USD. Ngay trước khi mua lại Holcim Việt Nam, SCCC đã mua lại chi nhánh Holcim ở Sri Lanka để trở thành nhà sản xuất xi măng lớn nhất nước này.

Trước đó không lâu, SCCC cũng đã đầu tư vào một dự án liên doanh ở Campuchia với Chip Mong Group và cho biết có ý định đầu tư tiếp sang Lào và Việt Nam.

Như vậy, sau SCG, Thái Lan có thêm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xi măng khác tiến vào thị trường Việt Nam thông qua con đường mua bán - sáp nhập (M&A).

Việc gia tăng các thương vụ M&A trong ngành xi măng do doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp xi măng trong nước là hướng đi phổ biến trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Vicem thừa nhận, với ưu thế về vốn, thị trường, vị trí địa lý lại ngay sát Việt Nam, các doanh nghiệp Thái mua lại doanh nghiệp xi măng trong nước có lợi hơn nhiều so với đầu tư từ đầu do nhà máy đã và đang vận hành hiệu quả.

Doanh nghiệp xi măng nội vật vã cạnh tranh

Công suất thiết kế của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam tính đến cuối năm 2016 đã lên tới 88 triệu tấn/năm. Nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, tổng công suất thiết kế toàn ngành vượt 100 triệu tấn/năm.

Công suất một số doanh nghiệp FDI ngành xi măng:

Xi măng Chinfon: 4,5 triệu tấn
Xi măng Nghi Sơn: 4,3 triệu tấn
Xi măng Holcim (nay là SCCC): 6 triệu tấn
Xi măng Thăng Long: 2,3 triệu tấn. Dây chuyền 2 hiện đã có trong Quy hoạch xi măng nhưng chưa tiến hành đầu tư.
Nguồn: Hiệp hội Xi măng Việt Nam.

Trong khi đó, tính cả đầu ra của xi măng trong nước khoảng 60 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 15 triệu tấn, thì thị trường vẫn dư hơn 10 triệu tấn. Cạnh tranh trong ngành xi măng ngày càng khốc liệt.

Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành xi măng với những cái tên như Chinfon, Nghi Sơn, Thăng Long, Holcim… đang chiếm giữ khoảng 30% thị phần. Không chỉ có thị trường tiêu thụ vững chắc ở trong nước, khối này còn phát triển được kênh tiêu thụ qua xuất khẩu và trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn hẳn doanh nghiệp nội.

Đơn cử, Semen Gresik là tập đoàn xi măng lớn nhất tại Indonesia, đang sở hữu 70% cổ phần tại Xi măng Thăng Long đang có ưu thế hơn các doanh nghiệp nội khi xuất khẩu xi măng trở lại thị trường Indonesia.

Quay trở lại câu chuyện Holcim Việt Nam đã về tay SCCC, giới phân tích cho rằng, dù thị trường xi măng trong nước dư cung, nhưng với chiến lược mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ra nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Campuchia, Bangladesh, Sri Lanka…, và chân rết của SCCC đã tỏa được đến những thị trường này, sẽ là một điểm cộng trong kênh xuất khẩu của SCCC so với những doanh nghiệp trong nước.

Thời gian gần đây, xuất khẩu xi măng đã liên tục giảm sâu. Hoạt động xuất khẩu xi măng đang bộc lộ nhiều bất cập, khi các doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau theo hướng hạ giá để bán hàng. Các doanh nghiệp xi măng luôn coi xuất khẩu là cách giải quyết bài toán thừa cung. Các chuyên gia nhận định, sẽ có nhiều doanh nghiệp không trụ lại được thị trường và xu hướng M&A trong ngành xi măng sẽ còn sôi động trong thời gian tới.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa các thương vụ M&A trong và ngoài nước là, trong khi các doanh nghiệp trong nước tìm mua lại những dự án kém hiệu quả với giá rẻ, thì các công ty nước ngoài sẵn sàng vung những khoản tiền lớn mua những doanh nghiệp đã có thị phần chiếm lĩnh thị trường. SCCC mua Holcim là trường hợp điển hình.

Tin liên quan
Tin khác