Theo Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), doanh nghiệp sẽ cần ít nhất 5 thẩm định viên để đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá |
Góp ý cho quy định tăng thêm số lượng thẩm định về giá để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với doanh nghiệp là 5 người và chi nhánh 3 người, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét lại nội dung này.
Theo các đại biểu, đây không phải là điều kiện tối ưu để nâng cao chất lượng dịch vụ này. Việc tăng số lượng sẽ kéo theo làm tăng áp lực về chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính - trong vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) không chia sẻ quan điểm này.
“Việc điều điều chỉnh các quy định về số lượng thẻ thẩm định viên tối thiếu tại doanh nghiệp (từ 3 lên 5 thẩm định viên) và chi nhánh doanh nghiệp (từ 2 lên 3 thẩm định viên) bên cạnh việc làm tăng quy mô của doanh nghiệp, qua đánh giá cũng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá”, Bộ Tài chính làm rõ trong Báo cáo giải trình gửi đại biểu Quốc hội ngày 9/11.
Lý do được đưa ra là thẩm định viên về giá không hành nghề độc lập mà đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên không thể phát hành Chứng thư độc lập mà là Chứng thư thẩm định giá do doanh nghiệp phát hành.
Như vậy, theo Bộ Tài chính, khi số lượng thẩm định viên tại doanh nghiệp tăng lên cũng có nghĩa là khối lượng công việc bình quân của thẩm định viên tại doanh nghiệp giảm đi, tạo điều kiện thẩm định viên có thời gian, tập trung vào nhiệm vụ được giao, hơn nữa khi số lượng thẩm định viên tại doanh nghiệp tăng sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được quy trình kiểm soát chất lượng đầy đủ và bài bản hơn, qua đó đương nhiên chất lượng sẽ được củng cố.
Theo số liệu đăng ký hành nghề từ đầu năm 2022, có 279 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, trong đó có 158 doanh nghiệp có số lượng thẩm định viên dưới 5 (115 doanh nghiệp có 3 thẩm định viên, 43 doanh nghiệp có 4 thẩm định viên); các doanh nghiệp này về nguyên tắc cần phải có thời gian và chi phí để bồi dưỡng, đào tạo hoặc tuyển dụng thêm để đáp ứng điều kiện về số lượng thẩm định viên.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, với số lượng thẩm định viên đăng ký hành nghề đầu năm 2022 mới chỉ là 1.462 thẩm định viên, trong khi đó tổng số người đã được cấp thẻ thẩm định viên đến thời điểm hiện nay là 2.352 người thì việc tuyển dụng bổ sung thêm thẩm định viên tại các doanh nghiệp đang có số lượng thẩm định viên dưới 5 không phải là vấn đề phức tạp và kinh phí phát sinh thực tế không lớn.
Mặt khác, đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Giá (sửa đổi) cũng cho rằng, Luật sửa đổi khi chính thức được ban hành cũng sẽ có thời gian chuyển tiếp để các doanh nghiệp hoàn thiện các điều kiện nên sẽ không tạo áp lực với kinh phí thường xuyên của đơn vị.
Trước đó, trong lần góp ý cho Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), VCCI từng có ý kiến rằng, Dự thảo đề xuất nâng cao điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thẩm định giá thì dự kiến số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị thu hẹp lại.
Điều này sẽ tác động đáng kể đến thị trường cạnh tranh và quyền lựa chọn của khách hàng. Theo đánh giá tác động tại Dự thảo, VCCI cho rằng đề xuất này sẽ làm cho khách hàng “dễ dàng trong việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá có chất lượng dịch vụ thẩm định tốt”, nhưng nhìn ở góc độ khác thì khách hàng sẽ ít có lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá hơn so với trước đây (vì số lượng doanh nghiệp thẩm định giá sẽ bị ít đi) và có nguy cơ phải chịu chi phí tăng cao hơn trước đây, trong khi chất lượng chưa chắc được đảm bảo.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng không đồng tình với những ý kiến đề nghị nghiên cứu bỏ nội dung không chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá khi khách hàng thẩm định giá cung cấp thông tin không chính xác về tài sản tại Điểm c, khoản 1, Điều 55 vì trước khi thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá phải xác minh về tài sản, yêu cầu thẩm định giá nên thẩm định sai cho bất kỳ trường hợp nào, giai đoạn nào doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm.
Theo Bộ này, trong thẩm định giá thì yếu tố thông tin đầu vào rất quan trọng, tài sản có đặc điểm khác nhau thì giá sẽ khác nhau, do đó, nếu khách hàng thẩm định giá cung cấp thông tin không chính xác về tài sản thẩm định giá thì rất khó để buộc thẩm định viên phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá. Quy định này cũng phù hợp với nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự.