Doanh nghiệp
Doanh nghiệp thủy sản chi mạnh cho đầu tư
Phương Anh - 17/05/2020 15:23
Trong bối cảnh các thị trường lớn khó khăn vì Covid-19, đơn hàng xuất khẩu liên tục bị tạm hoãn và hủy, doanh nghiệp trong ngành thủy sản phải tạm thời hạ chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh trong năm 2020, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn mạnh tay chi đầu tư để vượt lên trong giai đoạn tới.
.

Tạm giảm chỉ tiêu kinh doanh

Đại dịch Covid-19 khiến bức tranh ngành thủy sản có phần ảm đạm, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều gặp khó khăn, đặc biệt trong xuất khẩu. Đứng trước tình thế đó, nhiều doanh nghiệp đã đặt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020 tạm lùi so với năm trước.

Đơn cử, Công ty xuất khẩu Thủy sản Khánh Hòa (KSE) lên kế hoạch lãi sau thuế năm 2020 giảm mạnh 83% so với kết quả năm trước, xuống chỉ còn 1,2 tỷ đồng. Thủy sản Khánh Hòa cũng đưa ra kế hoạch tổng doanh thu đạt 60 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu đạt 2 triệu USD.

Tương tự, Công ty cổ phần Nam Việt (Navico; mã ANV) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu doanh thu dự kiến đạt 3.000 tỷ đồng, giảm trên 30%; lợi nhuận sau thuế đạt 200 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với năm 2019.

Theo ông Doãn Chí Thiên, thành viên HĐQT Navico, Covid-19 từ khi mới khởi phát tại Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của Navico, do đối tác nhập khẩu của Navico tại Thượng Hải tạm ngừng đặt hàng. Tại EU, các nước đóng cửa biên giới, nhưng đi bằng đường biển vẫn duy trì nên Navico vẫn tiêu thụ được hàng, song số lượng không được như trước.

“Từ tháng 5, thị trường Trung Quốc hoạt động trở lại, giúp Navico bù đắp phần sụt giảm từ các thị trường EU hay ASEAN khi dịch bùng phát tại các khu vực này. Sau khi phục hồi và đi vào ổn định, đến cuối năm nay, chúng tôi kỳ vọng thị trường này sẽ tăng từ 5 - 10% do nhu cầu thiếu hụt hàng hóa trong thời kỳ dịch bệnh”, ông Thiên nói.

Là một ông lớn trong ngành, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) lần đầu tiên đưa ra kế hoạch đi lùi. Trong báo cáo thường niên, Công ty công bố cả 2 kịch bản cho năm 2020. Với kế hoạch thứ nhất, doanh thu và lãi sau thuế của Vĩnh Hoàn giảm lần lượt 18% (6.450 tỷ đồng) và 32% (800 tỷ đồng) so với kết quả năm 2019. Còn với kế hoạch thứ hai, tuy đặt mục tiêu doanh thu tăng 10% (8.600 tỷ đồng), nhưng lãi sau thuế của Vĩnh Hoàn giảm 9% (1.063 tỷ đồng).

Mạnh tay đầu tư

Dù trong tình thế khó khăn, Công ty Vĩnh Hoàn vẫn quyết định chi gần 600 tỷ đồng đầu tư 3 dự án chính là xây dựng trại cá giống Vĩnh Hoàn, mở rộng cải tạo dây chuyền sản xuất nhà máy Vĩnh Hoàn collagen và xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá.

Trong đó, nổi bật là dự án đầu tư mở rộng, nâng cao công suất nhà máy sản xuất collagen thêm 75%, đạt 3.500 tấn thành phẩm trong năm 2020. Dự kiến dây chuyền mở rộng sẽ được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2020, giúp doanh số sản phẩm collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn tăng trưởng khoảng 60%, đạt mức 35 triệu USD. Theo đó, lợi nhuận ròng của dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 50%.

Được biết, năm 2019, Vĩnh Hoàn ghi nhận sự thành công vượt trội của mảng kinh doanh collagen với lợi nhuận sau thuế vượt qua con số kế hoạch 180 tỷ đồng và doanh số tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước, đạt hơn 550 tỷ đồng.

Với Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, trong năm nay, doanh nghiệp này dự kiến tăng diện tích nuôi tôm lên 270 ha, qua đó phấn đấu tự chủ 25-30% nguyên liệu. Bên cạnh đó, Công ty cũng chủ trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kho lạnh 6.000 tấn, triển khai đầu tư xây dựng thêm nhà máy chế biến trong Khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng)...

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta cho biết, ngành thủy sản đang từng bước tháo gỡ các nút thắt ở nhiều thị trường, các doanh nghiệp tích cực làm việc với các đối tác, nhất là bên Trung Quốc để nối lại tiêu thụ. Ở Việt Nam, khi Covid-19 qua đi, sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp vươn lên.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các quốc gia sản xuất thủy sản lớn của thế giới đang bị kẹt vì Covid-19, trong khi Việt Nam phục hồi sớm hơn các nước này. Do đó, ngành thủy sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển thị phần.

“Để duy trì nguồn cung thủy sản, sản phẩm của Việt Nam sẽ là một lựa chọn. Đây là cơ hội cho ngành thủy sản, bởi thế, doanh nghiệp, người dân nên thả nuôi ngay trong thời gian này để đón bắt cơ hội”, ông Hòe cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Quốc Lực, để có thể tận dụng các cơ hội, điểm nhấn là gia tăng chế biến các mặt hàng từ phụ phẩm, nỗ lực đa dạng sản phẩm và chú trọng phát triển thị trường nội địa.

“Những biện pháp này ngành đều cố gắng triển khai và có kết quả khá tốt, nhưng phải thúc đẩy mạnh hơn nữa. Đây là giải pháp căn cơ để giảm giá thành, tăng tiêu thụ, tăng nuôi sắp tới”, ông Lực cho hay.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong giai đoạn Covid-19 cao điểm nhất, Bộ và Tổng cục Thủy sản đã tính toán phương án chủ động trong tổ chức sản xuất và chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để tận dụng cơ hội sau dịch. Đẩy mạnh xuất khẩu sang EU ngay khi thị trường này hồi phục để tận dụng lợi thế ưu đãi từ EVFTA.
Tin liên quan
Tin khác