Cú hích cho mô hình kinh doanh phi phát thải
Một sự kiện lớn thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, doanh nghiệp và cả lãnh đạo cao nhất của Chính phủ giữa tuần qua là Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 - “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”.
Từ khung cảnh hội nghị (không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, dùng đồ tái chế để trang trí) đến tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ, chính sách khuyến khích các hoạt động sản xuất, tái sản xuất và tái sử dụng có lợi được kỳ vọng sẽ trở thành các cú hích cho mô hình kinh doanh, kinh tế phi phát thải thời gian tới. Xem thêm
Tiếp tục “nóng” câu chuyện phát hành trái phiếu
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trong phiên họp thứ 37 của Ủy ban thường vụ Quốc hội bàn về Dự án Luật chứng khoán (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần có quy định ràng buộc để tránh rủi ro cho thị trường chứng khoán khi lượng phát hành trái phiếu đang lớn dần.
Theo thống kê của Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Retail Research), quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP từ mức 8,6% hồi đầu năm; với lượng phát hành trong 8 tháng đầu năm khoảng hơn 117.000 tỷ đồng.
Từ nghị trường đến thị trường, hoạt động phát hành trái phiếu tiếp tục nóng với nhiều thương vụ mới được ghi nhận. Tuần qua, CTCP Bất động sản Phát Đạt (PDR) tiếp tục công bố kế hoạch phát hành trái phiếu đợt 7 và 8 trong hai tháng tới với tổng giá trị huy động dự kiến là 255 tỷ đồng và đều có kỳ hạn 1 năm. Trong đó, Phát Đạt phát hành 80 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 13%/năm và 175 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 9,5%/năm được bảo lãnh phát hành bởi ngân hàng Phương Đông.
Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (mã VSH) sau thời gian lấy ý kiến của cổ đông cũng đã chốt phương án phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm, chia làm ba đợt để tài trợ cho dự án thủy điện Thượng Kom Tum. Trong đó, đợt đầu dự kiến thực hiện vào quý III – IV. VCBS đứng ra bảo lãnh phát hành với hình thức cố gắng tối đa.
Tiếp tục nhiều tổ chức công bố hoàn tất phát hành trái phiếu riêng lẻ, chủ yếu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, công ty chứng khoán. CTCP Bông Sen – doanh nghiệp bất động sản được biết đến là chủ sở hữu Daewoo Hà Nội công bố hồi đầu tuần cho biết khoản trái phiếu 6.450 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 11%/năm. Số trái phiếu trên được đảm bảo bằng nhiều tài sản trong đó gồm cả cổ phần trong CTCP Daeha, Novaland và chính Bông Sen cùng các tài sản là bất động sản. Toàn bộ số trái phiếu trên được phân phối đến nhà đầu tư tổ chức. Cách đây nửa năm, doanh nghiệp này cũng vừa phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu, phân phối tới công ty chứng khoán.
Hai ngân hàng thông báo phát hành trái phiếu tuần vừa rồi, đều với kỳ hạn 3 năm. Trong đó LienVietPostBank huy động được 200 tỷ đồng (lãi suất 6,7%/năm), VIB huy động 500 tỷ đồng (lãi suất 6,3%/năm). Ba công ty chứng khoán gồm Chứng khoán MB, Chứng khoán Dầu khí và Chứng khoán Rồng Việt cũng hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ, đều huy động ở kỳ hạn 1 năm.
Hơn 11.300 tỷ đồng huy động qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ được công bố trong tuần qua |
Núi Pháo đã nhận 130 triệu USD sau thắng kiện Jacobs E&C
Nửa năm sau khi hội đồng trọng tài Singapore đưa ra phán quyết chung thẩm từng phần, chấp thuận khoản bồi thường cho Núi Pháo phát sinh từ hành vi của Jacobs E& Australia Pty Ltd, nhà thầu Úc đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán 130 triệu USD cho Núi Pháo. Khoản tiền trên tương đương hơn 3.000 tỷ đồng.
Vụ việc liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị giữa Núi Pháo và Jacobs năm 2011 cho mục đích thiết kế, cung cấp thiết bị và quản lý thi công xây dựng dây chuyền chế biến khoáng sản của Núi Pháo. Dây chuyền chế biến này được hoàn thiện trong năm 2015 và 2016. Xem thêm
VNR mòn mỏi chờ phê duyệt đề án cơ cấu lại giai đoạn 2017–2020
Thay vì được thực hiện trong 3 năm, lộ trình cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giai đoạn 2017-2020 bị co còn 1/3, do đến nay đề án còn chưa được phê duyệt. Một nội dung quan trọng của đề án do VNR trình là tổ chức hợp nhất CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội và CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn thành 1 công ty cổ phần vận tải đường sắt.
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, nguyên nhân là bởi hai công ty đang kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách trên cùng một tuyến đường sắt đơn, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Việc hợp nhất được kỳ vọng cải thiện hiệu quả kinh doanh. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước hiện là đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước của VNR sau khi cơ quan này tiếp nhận vai trò từ Bộ GTVT. Xem thêm
Sôi động chuyển nhượng cổ phần
Thadi, công ty con do CTCP Ôtô Trường Hải sở hữu 100% vốn, lại vừa nhận chuyển nhượng thêm toàn bộ cổ phần CTCP Cao su Trung Nguyên từ CTCP Nông nghiệp HAGL (Hoàng Anh Agrico). Đây là công ty nông nghiệp thứ 3 sau công ty TNHH Đông Pênh và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương
CTCP Đầu tư LDG tuần qua cũng cho biết đã thâu tóm 99,9% CTCP Hải Duy - chủ đầu tư dự án Khu du lịch Bãi Bụt tại Sơn Trà, Đà Nẵng. Trước đây, LDG và Hải Duy cùng kỳ hợp đồng hợp tác đầu tư, trị giá 1.750 tỷ đồng. Mục đích giao dịch trên nhằm giúp LDG chủ động trong quản lý và thuận lợi điều hành dự án.
Hải Duy cũng chính là đơn vị mà kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 3 xác định việc cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hơn 2,1 ha đất ở đô thị) cho doanh nghiệp này là trái quy định. Dù đại diện Thanh tra Chính phủ sau đó cho biết sẽ công bố trong thời gian sớm nhất, kết luận thanh tra đất đai tại Đà Nẵng đến nay vẫn chưa có.
Bên cạnh các thương vụ mua lại toàn bộ công ty, cổ đông lớn nhất của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Air) vừa bán 10% vốn doanh nghiệp này cho Stic Pan-Asia 4th Industry Growth Private Equity Fund, một quỹ đầu tư từ Hàn Quốc. Taseco hiện chỉ còn sở hữu 50,83% vốn Taseco Air, trong khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tăng lên 44,5%.
Trong khi đó, tại khá nhiều doanh nghiệp, các “ông chủ” lớn đang gom thêm lượng cổ phần nắm giữ. Chủ tịch HĐQT CTCP Nafoods Group Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu mua thêm từ 12/9 vừa qua. Dự kiến đợt này, ông sẽ mua 10,55 triệu cổ phiếu NAF nhằm tăng sở hữu lên 51,7% từ mức 27,62% hiện tại. Nếu hoàn tất, ông Hùng có thể nắm quyền chi phối doanh nghiệp này. Cũng từ cuối tuần trước, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đức Long, dự kiến mua vào 7,5 triệu cổ phiếu DLG, thời gian đăng ký từ 13/9 đến 12/10.
Bà Huỳnh Bích Ngọc, thành viên HĐQT CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa, tuần qua cũng vừa thông báo đăng ký mua 35 triệu cổ phiếu SBT. Bà Huỳnh Bích Ngọc là người đồng sáng lập và vận hành cơ sở Thành Thành Công (tiền thân của Tập đoàn TTC) từ năm 1979 với ngành kinh doanh chính là mía đường. Bà Ngọc từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT tại các doanh nghiệp đường lớn trong giai đoạn 2010 – 2012 và vừa trở lại tham gia vào HĐQT Thành Thành Công – Biên Hòa cách đây vài tháng. Quyết định tăng sở hữu của vị nữ doanh nhân này được thực hiện khi Thành Thành Công – Biên Hòa đang lên kế hoạch bán ra 61,6 triệu cổ phiếu quỹ và cũng chuẩn bị tổ chức ĐHĐCĐ thường niên vào 14/10.
Hơn 20 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tuần 16/9-20/9
Sáng thứ hai (16/9) sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận tạm ứng cổ tức năm 2019 của Vinamilk. Cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu VNM sẽ được nhận 2.000 đồng cổ tức.
Trong tuần này, hơn 20 doanh nghiệp cũng sẽ chốt danh sách cổ động nhận cổ tức. Nhiều doanh nghiệp trả cổ tức tỷ lệ 10-20% như CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây tạm ứng cổ tức 2019 bằng tiền, tỷ lệ 20% (ĐKCC: 18/9); Xe lửa Dĩ An trả cổ tức 2018 bằng tiền, tỷ lệ 12% (ĐKCĐ: 18/9); Kỹ thuật Điện Toàn Cầu trả cổ tức đợt cuối 2018 bằng tiền, tỷ lệ 12%; Bảo vệ thực vật Sài Gòn trả cổ tức đợt 2/2018 bằng tiền, tỷ lệ 10% (ĐKCC:16/9), Chứng khoán Công thương trả cổ tức 2018 bằng tiền, tỷ lệ 10% (ĐKCC: 16/9...
MBBank trả cổ tức đợt 2/2018 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 8% chốt danh sách cổ đông vào ngày 19/9 tới. Ước tính có thêm gần 173 triệu cổ phiếu niêm yết bổ sung sau đợt trả cổ tức này.