Doanh nghiệp
Doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ phần mềm có thể bị xử lý hình sự
Thu Phương - 18/04/2018 14:41
Về thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực, theo Phó Chánh Thanh tra, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Trần Văn Minh, các doanh nghiệp cần gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại đơn vị và có hành động kịp thời để tránh những tổn thất lớn.
Ông Trần Văn Minh Phó Chánh Thanh tra, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. 

Sáng ngày 18/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Hội Sở hữu trí tuệ và BSA Liên minh Phần mềm tổ chức toạ đàm “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ Luật hình sự (sửa đổi)”, tại Hà Nội.

Đây là dịp để các doanh nghiệp và các nhà quản lý hiểu biết rõ hơn các quy định của pháp luật Việt Nam về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định mới, đồng thời giúp các doanh nghiệp có giải pháp cần thiết để bảo vệ an toàn thông tin, quyền sở hữu trí tuệ và tránh những nguy cơ trách nhiệm hình sự nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Theo các chuyên gia nhận định tại toạ đàm, bản quyền phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam. Ông Trần Văn Minh,Phó Chánh Thanh tra, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, đã đến lúc các lãnh đạo doanh nghiệp cần gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại doanh nghiệp mình và có hành động kịp thời để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Minh cũng kỳ vọng, với khung hình phạt nghiêm khắc mới mà Bộ Luật hình sự 2015 sẽ áp dụng đối với pháp nhân thương mại cố tình vi phạm bản quyền phần mềm máy tính nói riêng và quyền tác giả nói chung. Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam sẽ có thể giảm xuống đáng kể, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranhc ông bằng cho các doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Lương Minh Huân, Phó Viện trưởng, Viện Phát triển Doanh nghiệp VCCI cho biết, Việt Nam đang ngày càng tham gia tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gần đây nhất là việc hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết tháng 3/2018. Tham gia vào sân chơi quốc tế, các doanh nghiệp trong nước sẽ có được nhiều cơ hội kinh doanh khi được tiếp cận với thị trường rộng lớn nhưng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như áp lực cạnh tranh và tuân thủ các quy định, luật chơi quốc tế, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP) cho hay, hiện nay, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng về kinh tế với khu vực và thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do với các đối tác hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự là một trong những nội dung quan trọng trong đàm phán các hiệp đình thương mại tự do thế hệ mới và là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh bới các đối tác phát triển.

“Bộ luật Hình sự 2015 lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây là bước tiến quan trọng góp phần đưa pháp luật hình sự của nước ta gần hơn với chuẩn mực pháp luật của các nước tiên tiến trên thế giới. Qua đó, tăng cường tính răn đe của pháp luật hình sự đối với tội phạm xong cũng đặt cho các doanh nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức trong việc tuân thủ pháp luật”, ông Lâm chia sẻ

Tin liên quan
Tin khác