. |
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, trong quý I/2020, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được cấp mới và tăng thêm đạt 49,3 triệu USD, bằng 41,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, có 27 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 22,9 triệu USD (bằng 28,5% so với cùng kỳ 2019) và 6 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm 26,3 triệu USD (bằng 66,4% so với cùng kỳ năm 2019).
Các số liệu này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu giảm tốc đầu tư ra nước ngoài, nhất là so với cách đây ít năm, khi nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư lớn ra nước ngoài.
Tuy vậy, điều đáng chú ý là, thay vì chỉ đầu tư vào một số thị trường truyền thống, như Lào, Campuchia, Myanmar… như trước đây, nay các doanh nghiệp Việt đã mở rộng ra nhiều thị trường khác.
Chính vì vậy, số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã ghi nhận, trong số 13 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận vốn đầu tư từ Việt Nam trong 3 tháng qua, thì dẫn đầu là Hoa Kỳ, với 7 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt 20,1 triệu USD, chiếm 40,8% tổng vốn đầu tư.
Tiếp sau đó, là Singapore, với 12,8 triệu USD, chiếm gần 26%; Campuchia, Cuba, Hồng Kông...
Khai mở thị trường mới, nên mới đây, Tập đoàn TH đã chính thức hoàn thành thỏa thuận mua ba trang trại gia súc ở Australia, trong đó có hai trang trại Auvergne và Newry ở Bắc Australia, và trang trại Argyle Downs ở Tây Australia, với tổng diện tích 1.106.300 ha và 60.000 đầu gia súc.
Thỏa thuận mua các trang trại này đã được ký kết từ đầu năm ngoái, giữa Công ty Nông nghiệp sạch và Du lịch quốc tế (CAIT), công ty con của Tập đoàn TH, với Công ty Consolidated Pastoral (CPC), chủ sở hữu ba trang trại trên.
Tổng giá trị của thương vụ là 130 triệu AUD (tương đương 86 triệu USD). Khoản đầu tư này đã được Tập đoàn TH đăng ký đầu tư ra nước ngoài từ năm ngoái.
Ngoài thị trường mới, thì các doanh nghiệp Việt cũng đã bắt đầu đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác. Quý I/2020, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 10 lĩnh vực.
Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống dẫn đầu với 2 dự án, tổng vốn đăng ký 14,7 triệu USD, chiếm 29,9%. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học xếp thứ hai, với tổng vốn đầu tư 12 triệu USD, chiếm 24,3%; tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ…