Doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt chạy đua thành vendor cấp 1 cho Samsung
Anh Hoa - 04/12/2017 08:02
Chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung là chuyện dài hơn và rất "vật vã" của các doanh nghiệp Việt Nam.

12 tuần cải tiến

Mới đây Ban lãnh đạo Samsung Việt Nam đã thực hiện chuyến làm việc và khảo sát 6 doanh nghiệp gồm 3 doanh nghiệp tại phía Bắc và 3 doanh nghiệp tại phía Nam. Cụ thể, Công ty CP Manutronics Việt Nam (Bắc Ninh), Công ty CP Tiến Thành (Bắc Ninh), Công ty CP Công nghệ Bắc Việt (Bắc Ninh), Công ty Nhật Minh (Bình Dương), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại In Minh Mẫn (TP. HCM), Công ty Vinavit (TP. HCM).

Các công ty này đều là nhà cung ứng (vendor) cấp 2 của Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) vừa kết thúc chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp do chính chuyên gia của Samsung đến từ Hàn Quốc thực hiện trong vòng 12 tuần. Họ đã đạt được những bước cải tiến vượt bậc.

Công ty Cổ phần Manutronics Việt Nam sản xuất đĩa quang (CD, DVD, CD-R) và lắp ráp điện tử công nghệ cao. Sau 3 tháng tham gia chương trình tư vấn cải tiến, tỷ lệ hàng lỗi công đoạn PQC (Công đoạn kiểm tra đầu/giữa/cuối) của Manutronics Việt Nam đã giảm 63%, giảm chi phí tồn kho nhựa 35%, giảm tỉ lệ thất thoát thiết bị đến 82%. Tổng Công ty Tiến Thành đã khắc phục triệt để tỷ lệ lỗi in sai màu, in sai maket. Với những cải tiến về trang thiết bị, năng suất lao động cũng tăng từ 600 sản phẩm/giờ lên 700 sản phẩm/giờ...

Samsung khảo sát tại Công ty Cổ phần Manutronics Việt Nam

Hay như Công ty Bắc Việt đã có những cải tiến đáng kể từ việc sản xuất, chất lương sản phẩm, quản lý tồn kho. Tỷ lệ tồn kho giảm ở mức 37% trong tháng 8 đầu năm nay xuống còn 24% chỉ trong tháng 11. Bắc Việt cũng đã xây dựng thành công hệ thống cải tiến lỗi mãn tính, giúp đo lường và phân tích lỗi để kịp thời lập phương án cải tiến và đối sách phòng ngừa. Tỷ lệ lỗi công đoạn PQC giảm tới 63% sau quá trình cải tiến.

Các tên tuổi còn lại như Công ty TNHH Sản xuất Thương mại In Minh Mẫn, Công ty Nhật Minh, Công ty Vinavit cũng là những doanh nghiệp tiềm năng, đang trong quá trình xem xét để ký hợp đồng cung ứng cho Samsung.

Cùng với việc hoàn thành chương trình tư vấn cải tiến cho 12 doanh nghiệp Việt tiềm năng, trong năm nay Samsung đạt mục tiêu tăng số doanh nghiệp Việt Nam là vendor 1 lên tổng số 29 doanh nghiệp. Samsung đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 50 nhà cung ứng cấp 1.

Việc lọt vào mắt xanh củae Samsung và trải qua quá trình cải tiến đối với các doanh nghiệp này là cả lộ trình.

Ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Bắc Việt cho biết, khi Samsung sang đầu tư đặt nhà máy ở Bắc Ninh, toàn bộ  hệ thống vendor cấp 1 của họ là các công ty Hàn Quốc. Thời gian đầu, Bắc Việt chưa đủ năng lực để cung cấp đủ cho Samsung vì một chiếc điện thoại cần cụm chi tiết, trong khi mình chỉ đủ sức làm từng cái.

Theo ông Vương, trở thành vendor cấp 1 sẽ được lợi 3 thứ: giá tốt, nâng cao trình độ năng lực, được biết trọn vẹn thông tin, kế hoạch của đối tác để định hướng đầu tư tiếp theo cho công ty. Samsung đòi hỏi chất lượng rất cao, rất khắt khe, cả về số lượng và thời gian giao hàng, giá cả cũng phải cạnh tranh và không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Do đó, các công ty cần có lộ trình học hỏi và được đào tạo từ chính các chuyên gia của Samsung

Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam cho rằng, Samsung kiên trì và bền bỉ với doanh nghiệp trong nỗ lực phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam nói chung.

“Tôi thấy sự đồng lòng đoàn kết, nỗ lực của các nhân viên trong nỗ lực cải tiến sản xuất và cải tiến suy nghĩ. Tuy nhiên, việc cải tiến không chỉ dừng lại mà cần liên tục. Hy vọng các công ty sẽ đi đầu trong cải tiến, để tăng vị thế trong khu vực”, ông Shim Won Hwan cho biết.

Lên kế hoạch mở rộng

Sau 12 tuần đào tạo, huấn luyện của các chuyên gia Samsung, trình độ kỹ thuật của các công ty này tạm thời yên tâm, nhưng về quy mô nhà máy còn nhiều hạn chế. Samsung đang có nhu cầu các sản phẩm để cung cấp cho nhà máy ở Quận 9, TP.HCM chuyên sản xuất tivi, máy giặt. Tuy nhiên, Samsung yêu cầu các nhà máy vệ tinh xung quanh và quy mô nhà máy lớn, máy móc hiện đại đầy đủ. Nắm bắt được điều này, Bắc Việt đang lên kế hoạch mở rộng thị trường vào TP.HCM, huy động thêm vốn, cổ phần để công ty mạnh hơn.

Samsung khảo sát tại Công ty CP Công nghệ Bắc Việt

Theo ông Vương, Bắc Việt cố gắng để doanh nghiệp Việt chạy đua kịp với doanh nghiệp Hàn Quốc, dần nâng tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Bắc Việt sẽ không phụ thuộc vào ông lớn nào mà phải đa dạng hoá sản phẩm, khách hàng. Ngoại trừ nếu có cam kết dài hạn đi cùng với một doanh nghiệp đó.

Ngoài Samsung, Bắc Việt còn cung cấp linh kiện máy in cho Canon. Hiện tỷ lệ doanh thu mỗi năm của Bắc Việt, Samsung đóng góp nhiều nhất với 40-45%, Canon 35%, 20% còn lại thuộc doanh nghiệp khác.

 “Từ lúc đầu tư nhà máy này, tôi đã chủ động tìm nhắm đến khách hàng cao cấp là các doanh nghiệp đa quốc gia, liên doanh. Khi định vị như vậy thì nhà xưởng, máy móc, con người đều theo định hướng xây dựng đó. Chúng tôi sẽ đầu tư quyết tâm trở thành vendor cấp 1 cho Samsung ở cả hai miền", ông Vương cho hay.

Có thể thấy, đường đến với công nghiệp phụ trợ của doanh nghiệp Việt không phải quá khó khăn nhưng đòi hỏi đầu tư lớn. Doanh nghiệp Việt buộc phải chấp nhận lỗ thời gian đầu, thậm chí lỗ lớn.

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt bị thua sân nhà vì chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ với hàng loạt thông tư, nghị định nhưng không rõ ràng.

"Thường doanh nghiệp phụ trợ sẽ lỗ trong 5 năm đầu nhưng chính sách lại áp dụng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong giai đoạn này thì không có ý nghĩa gì. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp  Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn với doanh nghiệp trong nước", ông Vương nói.

Tin liên quan
Tin khác