Thưa ông, cơ hội tham gia vào phát triển mô hình công nghiệp hỗ trợ cùng Samsung của doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?
GS - TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, chỉ vài chục doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp nguyên liệu cho Samsung |
Rất nhiều người, khi nhận thông tin về hội thảo này tỏ ra rất hoài nghi, có người còn khẳng định Việt Nam không thể làm được. Việc này có thể là đương nhiên, vì doanh nghiệp Việt Nam đã biết gì đâu mà làm.
Chúng tôi tổ chức hội thảo này để họ tiếp cận với Samsung, doanh nghiệp nào muốn đầu tư cho Samsung thì phải đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực. Tôi tin gần 20 doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo hôm nay có đủ tiềm lực để làm cho Samsung và chỉ cần có công nghệ là làm được.
Động thái các doanh nghiệp Việt Nam là gì?
Lúc đầu, có khoảng 1.000 doanh nghiệp đăng ký tham dự và muốn tìm hiểu cơ hội làm linh phụ kiện cho Samsung, nhưng chúng tôi chỉ lọc được 350 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí điện tử, nhựa. Đại diện của Samsung đã trả lời tất cả các câu hỏi của doanh nghiệp Việt Nam.
Samsung hết sức thiện chí, vì sự phát triển này không chỉ có lợi cho Việt Nam, mà còn có lợi cho Samsung. Hiện nay, 70% linh kiện của họ phải nhập khẩu. Nếu hàng Việt Nam thay thế được thì không có lý do gì Samsung lại không nhiệt tình hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Ông nghĩ sao khi hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam không cung cấp được 107 linh, phụ kiện của Samsung?
Tôi vẫn nói với Samsung là tôi cũng không biết trong điện thoại, máy tính bảng của họ gồm những linh phụ kiện gì. Do đó, họ phải chỉ cho doanh nghiệp Việt Nam là họ cần cái gì, muốn làm cái đó thì cần công nghệ nào, mua ở đâu.
Nếu chỉ được thì doanh nghiệp Việt Nam đối chiếu với thực trạng, vốn, nhân sự của họ, thì họ mới dám đăng ký làm cho Samsung. Cũng phải mất thời gian ít nhất là 6 tháng để đào tạo, tìm máy móc, trao đổi cụ thể thì mới hy vọng có việc làm công nghiệp hỗ trợ đầu tiên.
Theo quan sát của ông, có khoảng bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội làm cho Samsung?
Tôi nghĩ khoảng 15-20 doanh nghiệp và họ sẽ phải đầu tư 15-20 triệu USD cho máy móc, công nghệ hiện đại đáp ứng được nhu cầu của Samsung, như họ đang làm ở Thái Nguyên và Bắc Ninh.
Chính sách của Chính phủ đóng vai trò như thế nào trong phát triển công nghiệp phụ trợ?
Trong thị trường không có Chính phủ thì không có doanh nghiệp nào phát triển được. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phụ thuộc vào doanh nghiệp nếu họ có ý chí vươn lên. Nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển chủ yếu dựa vào đất đai, còn doanh nghiệp làm công nghệ như Samsung, LG, Canon… rất ít.
Như vậy, chúng ta phải khuyến khích doanh nghiệp đi vào hướng công nghệ cao, Chính phủ hỗ trợ và doanh nghiệp có ý thức phát triển công nghệ cao.
Vậy ông có tin là mô hình công nghiệp hỗ trợ của Samsung có thể nhân rộng tại Việt Nam?
Rất khó để nói trước điều đó, mà phải chờ đến hết năm 2015, sau khi Samsung có tổng kết thì mới biết. Hiện chỉ có cách tiếp cận trực tiếp với nhau qua mô hình thực tế thì mới mong có kết quả.
Tôi tin những người đến Hội thảo để tiếp cận trực tiếp với Samsung đều có ý thức tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp này. Các chuyên gia kinh tế, các bộ cũng đừng làm thay cho doanh nghiệp, nhà báo cũng đừng khuyên doanh nghiệp. Họ đủ thông minh để lựa chọn sẽ làm gì cho Samsung trên cơ sở tiềm năng hiện nay và sản phẩm mà họ có thể tạo ra trong tương lai.
Vũ Anh