Đầu tư
Doanh nghiệp Việt được hưởng lợi gì từ FDI?
Nguyên Đức - 02/02/2016 09:04
Những chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 1/2016 tiếp tục ghi nhận những đóng góp to lớn của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI) đối với Việt Nam. Song câu hỏi đặt ra là, các doanh nghiệp (DN) trong nước liệu có nhận được những tác động lan tỏa từ khu vực này?

Tín hiệu tích cực từ khu vực FDI

Tín hiệu tích cực tiếp tục được ghi nhận, đó là chỉ trong tháng đầu tiên của năm mới 2016, đã có trên 1,33 tỷ USD vốn FDI, bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, được đăng ký đầu tư vào Việt Nam, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn thực hiện ước đạt 800 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2016, diễn ra vào cuối tuần trước ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, việc cả vốn FDI đăng ký và giải ngân tăng cao so với cùng kỳ đã cho thấy môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tạo được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Kết quả của tháng 1/2016 được cho là một khởi đầu may mắn, dự báo một năm thành công tiếp theo cho Việt Nam trong thu hút FDI. Ảnh: Lê Toàn

Kết quả của tháng 1 được cho là một khởi đầu may mắn, dự báo cho một năm thành công tiếp theo cho Việt Nam trong thu hút FDI. Lý do dễ hiểu là năm nay, với việc một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và có hiệu lực, đặc biệt là trong tuần này, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ được ký kết, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường đầu tư tại Việt Nam để đón đầu cơ hội.

Vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh thì khu vực này sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho kinh tế Việt Nam. Chỉ tính trong lĩnh vực xuất khẩu, tháng 1/2016, ước khu vực FDI xuất khẩu 9,75 tỷ USD (nếu tính cả dầu thô), tăng 3,2% so với cùng kỳ. Còn nếu không tính dầu thô, con số là 9,6 tỷ USD, tăng 5,3% và chiếm 69,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Năm ngoái, chỉ riêng khu vực FDI đã đóng góp 207,85 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, tăng 16,7% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu đạt 110,59 tỷ USD, tăng 17,7%, chiếm gần 68% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, câu hỏi vẫn luôn được đặt ra, đó là những tác động lan tỏa của khu vực FDI tới khu vực trong nước như thế nào? Năm ngoái, khi xuất nhập khẩu của khu vực FDI tăng mạnh như vậy, nhưng khu vực trong nước lại “dậm chân tại chỗ”, với tổng kim ngạch đạt 119,91 tỷ USD, tương đương năm 2014, trong đó xuất khẩu đạt 51,52 tỷ USD, nhập khẩu đạt 68,39 tỷ USD.

Và câu chuyện nằm ở chỗ, khi những đóng góp của khu vực FDI càng lớn thì nỗi lo về sự lép vế của khu vực DN trong nước cũng càng nhiều. Điều này khiến nhiều quan điểm cho rằng, không nên mở cửa quá mạnh để DN FDI lấn sân, giành thị phần của DN trong nước. Rằng DN trong nước không được hưởng lợi từ việc FDI tăng mạnh như vậy. Nhưng có thực sự là thế?

Doanh nghiệp Việt được lợi gì?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong một cuộc trao đổi gần đây với báo giới, đã nhắc đến các con số thống kê rằng, chỉ có 36% DN Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp), so với 60% ở Malaysia và Thái Lan; và chỉ có 21% DN nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% ở Thái Lan và 46% ở Malaysia để bày tỏ quan điểm rằng, DN Việt hầu như chẳng được hưởng lợi từ các hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI.

“Mối liên kết ngược và liên kết xuôi giữa DN FDI và DN trong nước còn nhiều hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan tỏa của các DN FDI với DN trong nước. Tỷ lệ sản phẩm được mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ chiếm khoảng 26,6% tổng giá trị đầu vào của DN FDI”, bà Lan nói.

Trên thực tế, đây là câu chuyện vẫn được nhắc tới lâu nay và được coi là một trong những hạn chế trong thu hút FDI tại Việt Nam. Sự thiếu vắng của ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những lý do chính dẫn tới điều này, khiến DN Việt Nam chưa tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu của DN FDI.

Song, đó có phải là lỗi của DN FDI không? Và liệu có nên vì thế mà “đóng cửa” không thu hút FDI nữa?

“Yếu kém là do chúng ta thôi, tại DN, tại Nhà nước. Chúng ta cần thu hút FDI nhằm có thêm nguồn lực tài chính, khoa học - công nghệ để phát triển năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo việc làm… Nhưng lẽ ra chúng ta phải đi bằng hai chân, FDI là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là DN trong nước, tạo các sản phẩm thương hiệu Việt Nam, vì đó là thực lực của kinh tế Việt Nam, thì chúng ta lại chưa làm được”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Đặt câu hỏi rằng, nếu mấy trăm hec-ta đất dành cho Samsung thuê để sản xuất thiết bị di động được dùng trồng lúa, thì ta được gì, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, đúng là không vui khi thấy thành tích tăng trưởng xuất khẩu thuộc về khối FDI, nhưng không thể vì thế mà đóng cửa khu vực này.

Theo Bộ trưởng, các DN FDI cũng muốn khu vực trong nước mạnh lên để có thể làm đối trọng với họ trong “cuộc chơi toàn cầu”, vì thế, điều quan trọng là phải có chính sách tốt hơn để phát triển khu vực trong nước. “Chúng tôi đang xây dựng Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, luật này nếu được thông qua trong năm 2016 là tốt nhất, để đến năm 2017 là quá muộn”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Liên quan đến vấn đề này, cuối tuần trước, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội thông qua văn bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, Dự án Luật Hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai (Quốc hội Khoá XIV), dự kiến khai mạc tháng 10/2016.

Nếu Dự luật được thông qua, sẽ tạo điều kiện cho khu vực trong nước phát triển, thì khi DN trong nước đủ mạnh, mối liên kết giữa khu vực FDI và trong nước sẽ chặt chẽ hơn, bền vững hơn và DN trong nước sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi FDI dồn dập đổ vào Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác