Doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động liên kết để ứng phó với FTA
Trang Nguyễn - 14/08/2015 08:07
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo “Các Hiệp định thương mại tự do FTA và Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” ngày 13/8.
Ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc TT Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội định hướng đúng thị trường chiến lược, tiềm năng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại hội thảo, ông Đậu Tuấn Anh, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo góc nhìn của nhà đầu tư Hàn Quốc, điểm yếu của môi trường kinh doanh Việt Nam đó là những quy định phức tạp về thuế, nguồn cung cấp năng lượng còn đang thiếu hụt, thiếu các nhà cung cấp địa phương và quan trọng nhất chính là thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp.

Theo bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA, Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các FTA thế hệ mới sẽ có tác động đối với kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư. Đặc biệt đối với vấn đề đầu tư sẽ mở ra cơ hội đó là được đón nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên sự bất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước với nước ngoài và ngược lại cũng sẽ là một thách thức không hề nhỏ.

Đối với vấn về sở hữu trí tuệ, sau những hiệp định FTA thế hệ mới này, người có quyền được bảo vệ tốt hơn, nhưng người sử dụng lại phải trả giá cao hơn trong khoảng thời gian lâu hơn.

Để nắm bắt các cơ hội từ FTA, bà Phương cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, hiệp hội và chủ động trong nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thống kê trong 20 năm qua, Việt Nam đã ký kết và tham gia 10 Hiệp định FTA, trong đó riêng từ đầu năm 2015 đến nay là 2 FTA lớn gồm FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á-Âu. Việt Nam cũng đang đàm phán và kết thúc đàm phán 5 Hiệp định FTA khác là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA Việt Nam – EFTA, FTA ASEAN – Hongkong.

Tin liên quan
Tin khác