Chuẩn bị xuất khẩu thanh long tại Nhà máy đóng gói trái cây xuất khẩu Kim Thàanh 2 (Tiền Giang) của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T. |
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng trong lĩnh vực thực phẩm và rau quả, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Chương trình khảo sát thị trường rau quả và thực phẩm tại 3 nước châu Âu: Pháp, Đức và Ba Lan.
Chuyến đi dự kiến sẽ diễn ra vào tuần cuối của tháng 11, kéo dài đến hết 2/12/2017.
Chương trình được thiết kế theo hình thức tham quan khảo sát và kết nối doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh doanh, khai thác tốt thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và vị thế về chất lượng cũng như giá cả hợp lý của sản phẩm hàng hóa dịch vụ của Việt Nam trên thị trường các nước châu Âu.
Đoàn doanh nghiệp sang châu Âu khảo sát thị trường lần này sẽ được tiếp cận những thông tin kỹ thuật mới nhất từ các nước tiên tiến, tiếp cận, trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại với đối tác tại các nước châu Âu và các vùng lân cận.
Đồng thời, các doanh nghiệp trực tiếp trao đổi, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, đặc điểm chung và riêng của châu Âu so với các thị trường khác, từ đó lập kế hoạch cụ thể thâm nhập và phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Rau quả là mặt hàng đạt tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong số các mặt hàng xuất khẩu thuộc ngành nông nghiệp.
9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh, với kim ngạch đạt 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả vào EU chưa đạt được tăng trưởng đáng kể, mới chỉ đạt kim ngạch 100 triệu USD, trong khi xuất khẩu của toàn ngành tăng rất cao.
“Dư địa để ngành hàng rau quả vào thị trường châu Âu còn rất lớn, nhưng điểm nghẽn mà rau quả Việt Nam còn chưa khai thông được là hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả còn cao nên vẫn khó được thị trường EU chấp thuận”, ông Rugguero Malosssi, chuyên gia quốc tế, Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu ( EU-MUTRAP) cho biết.
Thực tế, năm 2013, EU phát hiện các sản phẩm rau củ, quả tươi Việt Nam có một số vấn đề về kiểm tra, kiểm dịch thực vật, nên đã ngưng nhập khẩu.
Mặc dù sau đó, các Bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực cải thiện và các sản phẩm rau củ, quả tươi Việt Nam đã mở lại được thị trường EU, nhưng chưa được như kỳ vọng và tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Đại diện Dự án EU-MUTRAP cũng đưa ra lời khuyên, để có thể phát triển và duy trì tốt hoạt động xuất khẩu ở thị trường EU, ngoài vấn đề về trồng trọt, kiểm dịch, các sản phẩm phải đạt chuẩn HACCP hay GlobalGAP.
Thêm đó, cần xem xét áp dụng HACCP cho rau củ, quả tươi, cho các hoạt động sau thu hoạch và chế biến rau củ, quả tươi.
Việc áp dụng HACCP kết hợp với GMP (Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) có thể kéo dài thời hạn sử dụng sản phẩm và giúp thu hồi lại chi phí dễ dàng.