Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu vừa lo đảm bảo sản xuất, giao hàng đúng hẹn, vừa phải lo chống dịch. |
Vừa sản xuất vừa phòng dịch
Hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp dệt may vẫn đang được duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 đã xâm nhập vào các khu công nghiệp. Trong giai đoạn này, không chỉ ghánh trên vai nhiệm vụ sản xuất, nhiều doanh nghiệp dệt may đóng tại các khu công nghiệp đang oằn mình thực hiện mục tiêu kép là lo sản xuất và phòng chống dịch.
Tại các nhà xưởng sản xuất của Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) những ngày này luôn đặt trong tình trạng báo động cao nhất, bởi với 14 đơn vị thành viên với số lao động lên tới 15.000 người, áp lực đảm bảo an toàn cho người lao động rất lớn.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hugaco cho hay, điều khiến lãnh đạo doanh nghiệp thành viên Hugaco lo lắng nhất là không giao hàng kịp tiến độ nếu như phải phong tỏa nhà máy nếu chẳng may, người lao động bị nhiễm Covid-19.
"Trong trường hợp không giao được hàng, thì thiệt hại cho khách hàng, còn doanh nghiệp bị mất tiền gia công. Trong khi đó, các đơn hàng hầu hết thanh toán chậm 60 ngày nên khi mình không giao được hàng thì tiền gia công không thể thanh toán được, gây ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp", ông Dương thông tin.
Trước đó, ngày 8/5/2021 tại một đơn vị thành viên Hugaco tại huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) đã có hai người lao động dương tính với Covid-19. Ngay lập tức, Công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp đã rà soát và cho cách ly số lao động thuộc diện F1 của ca dương tính. Những lao động còn lại vẫn tiếp tục sản xuất, với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt nhất các biện pháp an toàn theo quy định của Bộ Y Tế và quy định riêng của doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Hugaco, lường trước được thiệt hại nếu nhà máy phải cách ly do có bệnh nhân dương tính với Covid, Hugaco đã lập nhóm trên mạng gồm các lãnh đạo doanh nghiệp trong hệ thống của Tổng Công ty để thường xuyên cập nhật tin tức và nhận chỉ đạo kịp thời, chủ động đối phó hiệu quả nhất với làn sóng mới của đại dịch.
Chốt được nhiều đơn hàng cho tới tháng 9/2021, Tổng công ty CP May Hòa Thọ cho biết, doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất đồng thời với việc kích hoạt các giải pháp phòng chống dịch bệnh.
Ngay khi làn sóng dịch Covid-19 mới xuất hiện, Hòa Thọ đã sớm khởi động lại các chương trình phòng chống dịch ở mức cao, lưu trữ thông tin, tổ chức khai báo y tế đối với tất cả CNCNV cũng như khách ra vào, hàng ngày thống kê các điểm, nơi có các ca F0 để yêu cầu mọi người khai báo. Trong quá trình khai báo này, nếu phát hiện ra các trường hợp F1,F2 thì lập tức phối hợp với địa phương để có phương án cho từng trường hợp cụ thể.
"Chúng tôi rất lo, nếu như trong trường hợp xấu bị phong tỏa, dừng sản xuất, thì sẽ bị phạt hợp đồng, mất tiền gia công, mất khách hàng, giảm uy tín, việc làm cho người lao động không có, cùng nhiều hệ lụy khác", bà Trần Tường Anh, Phó tổng giám đốc Hòa Thọ cho hay.
Các doanh nghiệp nhận định, dù xuất khẩu 4 tháng 2021 đã phục hồi so với cùng kỳ, đạt 9,506 tỷ USD, tăng trưởng 9%, nhưng về tổng thể, đại dịch Covid-19 vẫn tác động xấu tới thị trường, khách hàng của ngành dệt may, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và lực lượng lao động, làm tăng chi phí, rủi ro trong khi giá gia công có xu hướng giảm so với trước thời điểm dịch bùng phát.
Kịch bản thị trường phải tới năm 2023 mới quay lại như năm 2019 có vẻ như đang có xác suất xảy ra cao hơn. Điều này khiến cho chưa có một dự báo trung và dài hạn của thị trường, mọi diễn biến đều đang xoay trong chu kỳ 3 - 6 tháng và thị trường còn rất nhạy với diễn biến dịch bệnh toàn cầu cả về phía cung và phía cầu.
Bảo vệ người lao động bằng Vắc-xin
Trước tình hình Covid-19 trên thế giới, châu Á và tại Việt Nam đang phức tạp, đặc biệt tại các khu công nghiệp, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã gửi công văn kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ doanh nghiệp dệt may mua/tiêm vắc-xin Covid-19.
Cụ thể, Vitas đề nghị ưu tiên tiêm vắc-xin cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch; Ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vắc-xin tiêm cho người lao động (theo chủ trương xã hội hoá mà Chính phủ đề xuất) để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vắc-xin.
Đồng thời, tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vắc-xin về cho Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.
Thông tin từ Vitas, nhiều các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký đến hết năm, nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam..
Bởi, chỉ cần một doanh nghiệp chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 - 21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc không còn thu nhập.